Doanh nghiệp phải đi đầu về quản trị hiệu quả, đổi mới công nghệ

Doanh nghiệp phải đi đầu về quản trị hiệu quả, đổi mới công nghệ

Chiều 13-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi gặp mặt các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hội nhập ASEAN trong 20 năm qua là cuộc tập dượt quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với thế giới. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, Chính phủ đã đi đầu và nhanh hơn các nước láng giềng từ 5 – 7 năm trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở điểm giao thoa và có từ 5 – 7 năm để chuẩn bị thích ứng với sự chuyển dịch về các chuỗi sản xuất trên thế giới. Các Hiệp định Thương mại tự do mở đường tái cấu trúc nền kinh tế và tạo ra hàng chục triệu việc làm trong tương lai. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tạo ra một làn sóng đổi mới thứ hai, khi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp hội nhập.


                Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt doanh nghiệp tham gia
                    Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015


Phát biểu tại buổi gặp mặt, trước thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12 tới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người dân kinh doanh, làm ăn; cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công. Thủ tướng nhấn mạnh, 5 năm qua cũng là bước ngoặt lớn về hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 12 Hiệp định thương mại tự do, đưa Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Qua hội nhập, doanh nghiệp đã có bước trưởng thành lớn và nhà nước hoàn thiện thể chế, luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của quốc gia cũng như doanh nghiệp là sức cạnh tranh còn yếu, trong khi đó mục tiêu của 5 năm tới là phải phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, để có một đất nước Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong 5 năm tới, không còn cách nào khác là phải hội nhập và không ai khác, doanh nghiệp phải là người đi đầu về tăng cường quản trị hiệu quả, đổi mới công nghệ để hạ giá thành, còn nhà nước chỉ có thể mở thêm thị trường, hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục tập hợp mọi kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để Chính phủ có thể ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh và hội nhập thành công.

* Cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đoàn doanh nghiệp ngành công thương.

Đánh giá cao sự nỗ lực của ngành công thương thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Bộ Công thương và các doanh nghiệp chủ lực của ngành công thương đã vượt lên, hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng mong rằng, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chủ lực của ngành công thương phải đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu để có hiệu quả và không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Các doanh nghiệp phải tiến hành cổ phần hóa, đa sở hữu, nâng cao năng lực hoàn thiện, đổi mới công nghệ để hạ giá thành, tăng năng suất; đồng thời cần phát triển nguồn nhân lực…

                                                  Theo Ngọc Minh
                                         SGGP (ngày 14/12/2015)