
Khơi thông vốn đầu tư vào Bắc Trung Bộ
- Tin tổng hợp
- Tháng Chín 30, 2011
- 54
Ngày 16 – 17/10 tới, tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào khu vực Bắc Trung Bộ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp với các tỉnh Bắc Trung Bộ tổ chức.

Phóng viên Báo Đầu tư đã phỏng vấn ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về một số vấn đề liên quan đến Hội nghị.
Thưa ông, những lợi thế nổi bật của khu vực Bắc Trung Bộ là gì?
6 tỉnh Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) có các khu công nghiệp và những nhóm ngành đặc trưng. 5/6 tỉnh có khu kinh tế biển (Chân Mây – Lăng Cô, Đông Nam, Nghi Sơn…) và 3 khu kinh tế cửa khẩu (Lao Bảo – Quảng Trị, Cầu Treo – Hà Tĩnh, A Đớt – Thừa Thiên Huế), với hệ thống cảng nước sâu, cảng chuyên dụng và cảng hàng không.
Mỗi địa phương đều có những lợi thế riêng. Nếu như Hà Tĩnh đang trở thành vùng công nghiệp thép, với “đại công trường Vũng Áng”; thì Thanh Hóa lại định hình ngành công nghiệp lọc hóa dầu (Nghi Sơn) và sản xuất xi măng… Nghệ An có sân bay, bến cảng, hệ thống trường đại học – cao đẳng… đang phát triển theo hướng là trung tâm phát triển công nghiệp – dịch vụ và giáo dục cho cả vùng Bắc Trung Bộ. Còn Thừa Thiên Huế, không chỉ có Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, mà còn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đồng thời nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây nối với Lào, Thái Lan và Myanmar…
Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực này thì sao?
Tính đến cuối tháng 9/2011, khu vực Bắc Trung Bộ có 243 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 19,9 tỷ USD, chiếm 10% về vốn FDI đăng ký. Như vậy, tuy số lượng dự án không nhiều, nhưng đa phần có quy mô lớn. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư tại Bắc Trung Bộ, như Tập đoàn Hồng Hải (Trung Quốc), Tập đoàn Posco (Hàn Quốc), Tập đoàn Formosa (Đài Loan)… Chính các cơ chế đặc biệt trong thu hút đầu tư của các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu đã tạo điều kiện để các nhà đầu tư lớn tìm tới Khu vực Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, tiềm năng khu vực này còn rất lớn, nhất là khi các điều kiện về đất đai, hạ tầng… của các vùng kinh tế phía Bắc và phía Nam đã trở nên bão hoà…
Tuy nhiên, trong lúc kinh tế thế giới và trong nước đang có diễn biến không thuận, ông đánh giá thế nào về kết quả của Hội nghị này?
Tình hình kinh tế hiện tại sẽ có những tác động nhất định tới các kế hoạch đầu tư – kinh doanh của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư nhìn nhận, tìm kiếm các vùng đất mới, thuận lợi hơn, hiệu quả hơn trong đầu tư.
Nếu các địa phương trong khu vực thể hiện được tính hấp dẫn, hiệu quả của môi truờng đầu tư, thì đây có thể là cơ hội tốt để thu hút đầu tư.
Đâu là những nút thắt mà các tỉnh này đang vướng, thưa ông?
Đó là nguồn nhân lực, thủ tục hành chính và kết nối hạ tầng.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2006/NĐ-CP, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 10 tới. Đây sẽ là cơ sở để địa phương thu hút và ưu đãi cho nhà đầu tư theo đúng các cam kết quốc tế.
Theo Báo Đầu tư