Siết vốn ngoại tệ từ ngân hàng
Quyết định tăng 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay và sẽ áp dụng từ kỳ dự trữ tháng 9, sau thời gian tín dụng ngoại tệ tăng trưởng đột biến.

Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 7 tháng đầu năm cao gấp nhiều lần so
với tín dụng nội tệ do doanh nghiệp thích vay đôla khi lãi suất ở mức thấp.
Ảnh: Hoàng Hà
Theo Quyết định số 1925 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ban hành, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 8% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 7% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên cũng tăng 1% lên 6% đối với các ngân hàng thuộc nhóm một và 5% đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 5% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 9. Với quyết định này, lượng ngoại tệ huy động từ dân cư sẽ bị “giam” bớt trong ngân hàng nhằm hãm đà tăng nóng thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước cho biết trong gần 8 tháng đầu năm, thanh khoản bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng được đảm bảo, nhưng tín dụng bằng ngoại tệ tăng ở mức khá cao. Quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ được cơ quan này kỳ vọng sẽ hạn chế đà tăng nóng này và tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
6 tháng đầu năm, lượng vốn ngoại tệ cho vay với nền kinh tế tăng 22,21%, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng tín dụng nội tệ (chỉ tăng 7,05% trong thời gian này). Bình quân lãi suất cho vay nội tệ thời gian này là 18,74% một năm trong khi bình quân lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ là 6,4%.
Tình hình vẫn tiếp diễn trong 2 tháng 7 và 8, khi khoảng vênh lãi suất chưa được thu hẹp và tỷ giá không biến động. Tuần giữa tháng 8, lãi suất cho vay VND thấp nhất là 16,5% nhưng cao nhất cũng tới 25%. Trong khi lãi suất cho vay USD phổ biến 6-8% một năm.
Dự báo những tháng cuối năm các doanh nghiệp sẽ cân nhắc hơn khi vay đôla, bởi lãi suất có thể tăng cao sau quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tỷ giá cũng bắt đầu phát tín hiệu căng thẳng. Cuối tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do đã vượt 21.000 đồng, trong ngân hàng cũng tái diễn tình trạng mua bán vượt trần quy định.
Theo VnExpress