
Tình hình doanh nghiệp còn nhiều… khó khăn
- Tin tổng hợp
- Tháng Tám 10, 2011
- 58
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại buổi hội thảo Khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam, gỡ vướng khó khăn cho doanh nghiệp vừa được VCCI tổ chức tại Hà Nội.
Nhiều DN đã phải thu hẹp sản xuất chờ “bão” suy thoái đi qua…
Tính từ đầu năm 2011, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn như lãi suất ngân hàng tăng cao, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng do lạm phát, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Chính vì vậy các hiệp hội, doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị giảm thuế và có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Đơn cử như giá thuê đất, tính tiền thuê đất từ đầu năm 2011 đã tăng 1,5 đến 5 lần so với năm 2006 và tỷ lệ phần trăm để xác định đơn giá thuê đất cũng được điều chỉnh từ 0,5% lên 1,5%, gấp 3 lần. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, chi phí thuê đất tăng từ 4,5 đến 15 lần là không hợp lý. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp áp giá thuê đất áp dụng từ năm 2011 theo Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi một số nội dung liên quan tới việc thu tiền thuê đất, thuê mặt nước… thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) cũng được các hiệp hội kiến nghị giảm thêm. Để gỡ vướng cho doanh nghiệp, Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thống nhất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2011 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, không giảm thuế TNDN đối với số thuế tính trên thu nhập từ hoạt động kinh doanh sổ xổ, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã đọc Nghị quyết giảm thuế,
hỗ trợ doanh nghiệp năm 2011
Ngoài ra, Quốc hội cũng đồng ý giảm 30% thuế TNDN đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội. Về thuế giá trị gia tăng, Quốc hội cũng quyết định giảm 50% mức thuế khoán thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế TNDN từ quý III năm 2011 đến hết năm 2011 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010.
Đồng thời miễn thuế thu nhập cá nhân từ 1/8/2011 đến hết 31/12/2012 đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, cổ tức tín dụng. Giảm 50% (đề xuất ban đầu của Chính phủ là miễn) từ 1/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012 đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân. Miễn thuế TNCN từ 1/8/2011 đến 31/12/2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc một của Biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại Luật thuế TNCN…
Mặc dù vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Trước bối cảnh suy thoái kinh tế chung của nền kinh tế, lãi suất ngân hàng cao, giá thuê đất tăng, chí phí đầu vào sản xuất không ổn định khiến nhiều doanh nghiệp đình đốn, hạn chế sản xuất. Quốc hội vừa qua (ngày 6/8) đã có những biện pháp giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, đây có thể coi là “cú huých” quan trọng. Tuy nhiên, về cơ bản tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn…Trong một thống kê không chính thức, có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ đã phá sản trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp còn lại cũng hạn chế mở rộng sản xuất, thắt chặt chi phí để vượt qua gia đoạn khó khăn này.
Theo Tài chính điện tử