Việt Nam- điểm sáng của viễn thông thế giới

Việt Nam- điểm sáng của viễn thông thế giới

Việt Nam hiện có một thị trường viễn thông được đánh giá là phát triển nhanh, có tính cạnh tranh cao. Và không ai khác, đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ thị trường này chính là người dân.


                                                      Ảnh minh họa

10 năm đổi mới…

Tại thời điểm năm 2000, thị trường viễn thông Việt Nam gần như chưa có cạnh tranh bởi VNPT vẫn là doanh nghiệp chiếm thị phần hấu hết các dịch vụ viễn thông. Tổng số thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam mới chỉ ở mức 0,3 triệu. Và toàn quốc chỉ có 3,5 triệu thuê bao điện thoại.

Thị trường viễn thông Việt Nam đã được khởi động từ một chỉ thị “chống độc quyền, mở cửa thị trường”. Đó là Chỉ  thị 58 của Bộ Chính trị về mở cửa viễn thông và Internet của Việt Nam, ra đời năm 2000 với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực Viễn thông – Công nghệ thông tin từ đó tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chỉ thị 58 đã đặt ra mục tiêu Việt Nam phải có chất lượng và giá cước dịch vụ tương đương hoặc thấp hơn các nước trong khu vực.

Nhận định về tác động khởi nguồn của Chỉ thị 58, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, Chỉ thị 58 ra đời tháng 10/2000, khi mà ngành công nghệ thông tin viễn thông của Việt Nam đang cần có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, hay nói cách khác, phải tìm những cái chốt nhất để tháo gỡ cho sự phát triển.

Trong nội dung của Chi thị 58 có nói đến 4 trụ cột cơ bản của công nghệ thông tin, viễn thông. Thứ nhất, viễn thông và Internet; thứ hai là công nghiệp về công nghệ thông tin; thứ ba là ứng dụng toàn bộ công nghệ thông tin trong đời sống xã hội…, và cuối cùng là nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ thông tin.

4 trụ cột hay 4 nội dung cơ bản trên gắn với 3 chủ thể trực tiếp là vai trò của thị  trường và người tiêu dùng; vai trò của các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng; và vai trò của Nhà nước, trực tiếp là các bộ ngành.

Với việc mở cửa thị trường viễn thông cho nhiều doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ như Viettel, EVN Telecom, FPT Telecom, Gtel, Hanoi Telecom… thị trường viễn thông Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức bùng nổ. Liên tục trong 10 năm qua, thị trường viễn thông Việt Nam được nhận định có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.

Hiện mức giá cước viễn thông Việt Nam đã đạt mức trung bình và thấp hơn các nước trong khu vực theo đúng tinh thần của Chỉ thị 58. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tổng số thuê bao điện thoại hiện có là 156,1 triệu, trong đó di động chiếm 90,32%; mật độ đạt 180,7 máy/100 dân. Đến nay, toàn quốc có trên 25,09 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 29,24%. Tổng số thuê bao băng rộng đạt 3,38 triệu thuê bao, đạt mật độ 3,95%.

Thành tựu của CNTT và Viễn thông Việt Nam gắn liền với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh: Đẩy nhanh Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá phải làm đồng bộ với các lĩnh vực, đi nhanh vào CNTT; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; điện tử và tự động hoá.

 

Vào năm 2009, trong cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Thông tin – Truyền thông xây dựng chiến lược chính sách để đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin (CNTT).

 

Cuối năm 2010, đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT” (đề án) được Thủ tướng chính phủ phê duyệt bằng quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/09/2010. Giới CNTT-TT Việt Nam coi đây là cơ hội phát triển cho ngành, vì một lĩnh vực quan trọng của Quốc gia chính thức được người đứng đầu nhà nước ghi nhận với những mục tiêu  cụ thể của  đề án.

 

Bộ trưởng Bộ TT-TT bày tỏ quyết tâm trong việc thực hiện: “Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT- TT thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ. Đây là lời hứa danh dự của ngành TT-TT. Thế giới coi đây là hướng đi đúng của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT-TT”. Bộ trưởng chỉ đạo, việc thực hiện đề án là nhiệm vụ xuyên suốt, bao trùm của Bộ TT-TT đến năm 2020.

Vươn tầm quốc tế

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam hiện đang đứng thứ 8 trên thế giới về mật độ thuê bao di động. Vị trí này đã đưa Việt Nam vượt rất xa nhiều quốc gia khác, khi mật độ viễn thông trung bình của các quốc gia đang phát triển chỉ khoảng 70% và các quốc gia phát triển cũng chỉ là 114%.

Tính đến cuối tháng 7/2011, vùng phủ sóng 3G tương ứng với mật độ dân số và lãnh thổ Việt Nam đã tăng từ 54,71% lên 93,68%. Nền công nghiệp công nghệ thông tin cũng được kỳ vọng sẽ là lĩnh vực kinh tế dẫn đầu tại Việt Nam trong năm 2020, đóng góp 8% – 10% GDP. Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một trong 10 nước phát triển phần mềm trên thế giới.

Tổng thư ký ITU Hamadoun Touré trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7 vừa qua đã đánh giá cao những thành tựu của ngành Viễn thông- Công nghệ thông tin Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những điểm sáng của ITU. 
 
Ông chia sẻ, Việt Nam có mức độ phát triển viễn thông cao, kịp thời ứng dụng công nghệ hiện đại để cung cấp các dịch vụ viễn thông chất lượng tốt đến mọi người dân.

Hướng phát triển băng thông rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ thành thị  đến nông thôn, đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng là hướng đi đồng nhất với quan điểm “Băng rộng cho mọi người” của ITU. 
 
Ông Hamadoun Touré cho rằng, Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin-truyền thông” là hướng đi đúng và hoàn toàn khả thi bởi Việt Nam đang có những lợi thế như tầm nhìn rõ ràng; tạo được môi trường pháp lý đầy đủ thu hút mọi nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư vào lĩnh vực thông tin-truyền thông; một số tập đoàn viễn thông-công nghệ thông tin lớn của Việt Nam đang dần khẳng định được vị thế, luôn cập nhật và ứng dụng kịp thời những công nghệ tiên tiến trên thế giới cùng chiến dịch maketing hiệu quả, đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao.

                                                                          Theo Chinhphu.vn