Lao động ngành dệt may Việt Nam: Nghịch lý thừa và thiếu

Lao động ngành dệt may Việt Nam: Nghịch lý thừa và thiếu

Nghịch lý cung – cầu trong cơ cấu nguồn lao động của ngành dệt may nằm ở việc thiếu hụt lao động nhất là lao động có tay nghề cao, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong cả nước vẫn ở mức cao.

 

Theo các chuyên gia, hiện nguồn lao động chủ yếu của ngành dệt may chưa được đào tạo một cách căn  bản, phân lớn đội ngũ người lao động phải tự học và tự đào tạo theo phương thức kèm cặp trong chính các nhà máy, xí nghiệp là chính. Theo thống kê, toàn ngành công nghiệp nhẹ này chỉ có 4 trường đào tạo mỗi năm cho ra khoảng trên dưới 2.000 công nhân, số công nhân ra trường như muối bỏ biển không thấm vào đâu so với nhu cầu tuyển dụng.

Tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn khó tuyển lao động

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch hội đồng quản trị Vinatex, cho biết, toàn ngành dệt may có trên 2 triệu lao động đang làm việc, trước tình hình phát triển mới, ngành luôn cần bổ sung số lao động mới để đáp ứng các đơn hàng mới. Tuy nhiên, cũng có thực trạng là nhà sản xuất không tìm được công nhân, còn công nhân thất nghiệp thì lại không tìm được việc làm. Nguyên nhân là nhiều khu công nghiệp gần như không có nhà ở xã hội cho công nhân, nên khi doanh nghiệp nào cắt giảm nhân lực thì ngay lập tức người lao động lại đi tứ tán khắp nơi để tìm chỗ làm mới. Đến khi sản xuất ổn định trở lại thì không biết tìm họ ở đâu. Công đoàn ngành dệt may cũng cho biết thêm, hiện số doanh nghiệp đủ sức trả mức lương trung bình từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng còn quá ít. Chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa mức lương chỉ dao động trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Với mức lương này, người công nhân không thể đảm bảo cuộc sống trong tình trạng trượt giá sinh hoạt ngày càng leo thang như như hiện nay.

Theo bộc bạch của một lãnh đạo Công ty may Hưng Yên, do nhu cầu, hàng năm công ty vẫn phải tuyển dụng hàng trăm lao động phổ thông, sau đó cho học qua trung tâm dạy nghề và bố trí thợ giỏi kèm việc trong khoảng 3 tháng. Sau thời gian này, lao động giỏi có thể tự đứng máy, thao tác chuyền như một công nhân lành nghề, lâu năm. Một số đơn vị khác còn mạnh dạn tuyển dụng người lao động ngoài tự đào tạo thành công nhân của mình theo quy trình đặc thù công việc doanh nghiệp của mình. Nếu làm theo cách này, doanh nghiệp sẽ có thể tiết kiệm tối đa kinh phí đào tạo, lại có điều kiện đào tạo theo thế mạnh riêng của từng doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Công ty Vinatex, nguồn lao động của tổng công ty là rất lớn, để đáp ứng được các đơn hàng phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, hàng năm tổng công ty phải bổ sung khoảng trên dưới 10.000 lao động, cũng chủ yếu theo phương thức tự đào tạo như vậy. Vì đào tạo không bài bản nên số lao động thay thế hàng năm chất lượng không cao, năng suất lao động thấp hơn nhiều so với lao động đã công tác lâu năm. Cũng do đặc thù trên của ngành, buộc doanh nghiệp liên tục phải tuyển lao động mới, thực hiện chế độ lao động làm 3 ca, 4 kíp để đảm bảo tiến độ giao hàng. Nên chất lượng lao động chưa được chuyên môn hóa cao, năng suất thấp.

Một trở ngại khác là phần lớn lao động trong ngành dệt may là phụ nữ, độ tuổi lao động không cao khoảng 45 tuổi là khó đạt năng suất lao động, và kỹ thuật tay nghề ở mức tối đa, buộc phải luân chuyển, khiến ngành thiếu hụt một đội ngũ lao động tay nghề cao, trong khi chưa có nguồn thay thế.

Đầu tư tăng năng suất

Về vấn đề lao động, theo ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, các doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước về thu hút nguồn lao động, đặc biệt là các lao động có tay nghề cao. Đơn giản bởi các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, họ sẵn sàng xé rào trả mức lương cao hơn để thu hút nguồn chất xám tay nghề trong ngành dệt may và trở thành đối thủ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tuy hiện tại ngành dệt may Việt Nam có vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, nhưng nếu nhìn xa hơn ngành vẫn chưa thực sự phát triển một cách chiến lược căn cơ và vẫn còn có tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh. Theo phân tích trên, dễ thấy hai trở ngại lớn của ngành là nguồn nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu và nguồn lao động ngày càng khan hiếm. Trong khi các rào cản thương mại quốc tế cũng đang ngày càng có khuynh hướng siết chặt.

Trước những khó khăn nêu trên, theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, bộ cũng đã có chỉ đạo và lãnh đạo Vitas cũng cho biết trong năm 2010, Vitas sẽ đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng nhằm tạo đột phá về năng suất, giải quyết nhu cầu lao động, công nghệ trong sản xuất. Ngành cũng sẽ tập trung liên kết những doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu, tổ chức lại việc cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, nỗ lực thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành để giữ được mục tiêu là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước.

Theo Anh Phương
VCCI