
Trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp
- Trợ giúp pháp lý
- Tháng Tám 12, 2010
- 71

Chỉ còn 4 tháng nữa, các doanh nghiệp sẽ thực hiện việc tự in hoặc đặt in để phát hành, quản lý hóa đơn thay vì việc mua hóa đơn của Bộ Tài chính. Vận hành cơ chế mới có tác động nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp? Hoạt động giám sát, quản lý Nhà nước sẽ như thế nào? Phóng viên VOV trao đổi với bà Vũ Thị Mai (ảnh bên), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Bà Vũ Thị Mai cho hay, theo tinh thần của Nghị định 51 ngày 14/5/2010 của Chính phủ, quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì từ ngày 1/1/2011, doanh nghiệp sẽ được quyền chủ động tự in hoặc đặt in hóa đơn để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
PV: Được biết, Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 51 về phát hành và quản lý hóa đơn theo hướng tăng tính chủ động cho doanh nghiệp. Bà có thể nói rõ hơn?
Bà Vũ Thị Mai: Doanh nghiệp không phải xin phép, không phải đợi văn bản phê duyệt của cơ quan quản lý thuế mới được đặt in hay tự in hóa đơn. Và số lượng hóa đơn in không hạn chế, tạo điều kiện chủ động cho doanh nghiệp tính toán số lượng hợp lý đảm bảo chi phí quản lý thấp nhất. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn mẫu hóa đơn, miễn là hóa đơn đáp ứng và đảm bảo được những tiêu chí cơ bản của một hóa đơn bán hàng hóa dịch vụ mà Nghị định 51 đã quy định. Doanh nghiệp cũng được tự lựa chọn tổ chức in hóa đơn cho mình, miễn là tổ chức nhận in hóa đơn có hoạt động cấp phép của ngành in.
![]() |
Bà Vũ Thị Mai |
PV: Vậy thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì, thưa bà?
Bà Vũ Thị Mai: Việc doanh nghiệp được trao quyền chủ động trong việc sử dụng, quản lý hóa đơn đã cắt giảm được thủ tục liên quan tới hóa đơn. Hàng tháng, doanh nghiệp không phải đến cơ quan thuế để mua hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành nữa. Và không phải ngồi tại cơ quan thuế để đóng dấu lên từng hóa đơn mua tại cơ quan thuế. Như vậy, sẽ giảm được chi phí về thời gian và nhân lực để thực hiện thủ tục hóa đơn.
PV: Vì sao chúng ta không tiếp tục cơ chế cũ, đó là doanh nghiệp vẫn mua hóa đơn do Nhà nước phát hành?
Bà Vũ Thị Mai: Theo Luật quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, doanh nghiệp chuyển sang cơ chế tự kê khai, tự tính thuế và nộp thuế. Cơ quan quản lý thuế chuyển sang vai trò tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp để họ hiểu và thực hiện Luật Thuế một cách tự nguyện. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý các vi phạm. Do vậy, cơ chế quản lý và sử dụng hóa đơn cũng phải chuyển đổi để phù hợp với quá trình cải cách và hiện đại hóa quản lý thuế.
PV: Thưa bà, doanh nghiệp được chủ động phát hành và quản lý hóa đơn song vẫn phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Vậy, công tác quản lý Nhà nước có gì mới?
Bà Vũ Thị Mai: Việc quản lý Nhà nước đối với hóa đơn có thay đổi. Cơ quan thuế sẽ quản lý các thông báo phát hành hóa đơn của doanh nghiệp. Và dự kiến, các thông tin từ phát hành này sẽ được đưa lên trang thông tin của Tổng cục Thuế với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát các hóa đơn phát hành và sử dụng. Đồng thời, cũng phục vụ cho công tác thanh tra và kiểm tra của ngành thuế. Doanh nghiệp có trách nhiệm gửi thông báo phát hành hóa đơn tới cơ quan thuế trong phạm vi 10 ngày, kể từ ngày phát hành hóa đơn.
PV: Doanh nghiệp chủ động phát hành và quản lý hóa đơn cũng có thể dẫn tới những phát sinh tiêu cực trong việc sử dụng hóa đơn. Tổng cục Thuế có những biện pháp nào để quản lý chặt chẽ việc phát hành và sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp?
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, về mặt kinh tế có thể sẽ có những chi phí tăng thêm nhưng không nhiều. Về mặt quản lý Nhà nước, đây là một biện pháp cải cách thủ tục hành chính mang lại sự tự chủ cho doanh nghiệp. Đã có doanh nghiệp phản ánh với tôi nhưng tôi nói rằng đây là bước cải cách thủ tục đúng, tốt với doanh nghiệp. Chúng ta đã hội nhập thì đây là xu hướng chung, nhiều quốc gia cũng đã giao việc này cho doanh nghiệp và trả các cơ quan chức năng về đúng vị trí của nó. (Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ) |
Bà Vũ Thị Mai: Nhà nước tạo điều kiện thông thoáng và chủ động cho doanh nghiệp, song vẫn đề ra những quy định chặt chẽ, rõ ràng. Quy định về trách nhiệm của tổ chức đặt in hóa đơn, rồi quy định rõ trách nhiệm của tổ chức nhận in hóa đơn là phải bảo quản phôi in và bản in như thế nào… Đồng thời, cũng quy định trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc thanh tra và kiểm tra. Nghị định 51 quy định xử phạt các hành vi vi phạm của các tổ chức đặt in, tổ chức nhận in; rồi hành vi phát hành hóa đơn của người mua và người bán. Phải nói rằng, NĐ 51 với mức xử phạt đến 100 triệu đồng là một mức xử phạt mang tính chất răn đe với mong muốn các doanh nghiệp sẽ chấp hành đúng quy định trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn.
Tuy nhiên, bất cứ chính sách nào cũng có những kẽ hở, có thể phát sinh những hiện tượng gian lận mới. Vì thế, ngành thuế cũng phối hợp với cơ quan công an để phát hiện các hành vi gian lận mới nhằm kịp thời ngăn chặn. Một mặt vừa tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, mặt khác vẫn đảm bảo sự kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước.
PV: Theo bà, thời gian để doanh nghiệp tự in và phát hành, quản lý hóa đơn có quá gấp gáp hay không?
Bà Vũ Thị Mai: Nghị định 51 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011. Và dự kiến, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn trong tháng 8 này. Như vậy, các doanh nghiệp còn tới 4 tháng nữa để lên kế hoạch về thiết kế mẫu, kế hoạch đặt in…
Xin cảm ơn bà!./.