
Những nghịch lý của kinh tế VN
- Tin tổng hợp
- Tháng Tám 12, 2010
- 73
25 năm liên tục tăng trưởng, kinh tế VN vẫn chưa thể bền vững; được đánh giá là thiên đường đầu tư song có tới 60-80% nhà đầu tư vào VN kêu lỗ…
Tham gia hội thảo “Phục hồi kinh tế thế giới và sự thích ứng của doanh nghiệp VN” chiều 11/8 với tư cách là diễn giả, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế VN khẳng định: Dù trong khủng hoảng hay suy thoái, cách tốt nhất là doanh nghiệp phải tự mình cứu lấy mình. Doanh nghiệp phải xác định được vị thế của mình và tuyệt đối không chủ quan tự hài lòng với những gì đạt được.
Theo ông Thiên, hiện nay nền kinh tế VN đang tồn tại rất nhiều nghịch lý và cần được khắc phục trong thời gian tới. Nợ công của VN năm 2009 lên tới 52% GDP và đứng thứ 44 thế giới, ngay sau Mỹ, Moroco và Kenya. Con số này tuy vẫn dưới mức bình quân của thế giới (56% GDP) nhưng không phải là không đáng lo.
Thời gian qua, đã có rất nhiều người đi tìm lời giải cho câu hỏi vì sao kinh tế VN 25 năm qua liên tục tăng trưởng (trung bình 7% một năm) nhưng vẫn không được coi là bền vững. “Đây chính là một nghịch lý, vì VN mặc dù kiểm soát được lạm phát nhưng không ai nói VN đang đi lên mà vẫn bị coi là chứa đựng yếu tố bất ổn. Bước vào hội nhập, chúng ta càng bộc lộ rằng sức cạnh tranh của VN ngày một giảm”, ông Thiên nói.
![]() |
Môi trường đầu tư tại VN được đánh giá là rất hấp dẫn. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo chuyên gia kinh tế này, ba năm sau hội nhập, VN có nhiều cơ hội hơn, vốn đổ vào nhiều hơn nhưng nền kinh tế lại tiền ẩn nhiều nguy cơ hơn như tăng trưởng giảm tốc, lạm phát tăng cao và bất ổn cũng ngày một trầm trọng.
Do vậy, ông Thiên đề nghị cần có những đánh giá một cách toàn diện nền kinh tế VN sau 3 năm hội nhập, từ đó rút ra được những điểm hạn chế để khắc phục trong thời gian tới. “Khi hội nhập, đối mặt với thách thức, chúng ta mới phát hiện ra năng lực quản lý của chúng ta quá yếu kém. Tầm nhìn chỉ giới hạn trong phạm vi 6 tháng đến một năm. Cách làm vẫn theo kiểu dễ làm khó bỏ”, ông Thiên nói.
Một nghịch lý khác mà ông Thiên đề cập là môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Dù được đánh giá là thiên đường đầu tư song thời gian qua có tới 60-80% các nhà đầu tư vào VN kêu lỗ triền miên. Mâu thuẫn ở đây là kêu lỗ nhưng không có nhà đầu tư nào bỏ chạy. Do đó, cần phải có đánh giá lại rằng thiên đường đầu tư ở đây là cái gì, thiên đường dành cho ai, và vì cái gì.
Điều khiến ông Thiên lo nhất hiện nay chính là căn bệnh mang tên “Tập đoàn Nhà nước” – đầu tư dàn trải và mất ổn định. Trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại manh mún, chưa phát huy được vai trò “bao nhiêu năm không chịu lớn”. Những nghịch lý này theo ông Thiên đã dẫn đến những bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Do vậy, VN cần có sự thay đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra những trụ cột bền vững cho nền kinh tế.
Theo Vnexpress