Bĩ cực chưa hẳn đã qua

Bĩ cực chưa hẳn đã qua

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố dự báo mới nhất về tình hình tăng trưởng năm 2024 và triển vọng cho năm 2025 của kinh tế thế giới cũng như kinh tế của các khu vực, quốc gia trên thế giới.

So với dự báo trước đó được IMF công bố hồi tháng 4 vừa qua, dự báo mới này bao hàm sự điều chỉnh tuy không nhiều về mức độ cụ thể nhưng thông điệp từ đó lại rất đáng chú ý. Đánh giá chung của IMF là tăng trưởng của kinh tế thế giới về cơ bản ổn định. Nhưng đó chỉ là lý do để thế giới có thể tạm yên tâm, càng không thể nói tới hài lòng.

Lý do ở chỗ, ổn định có nghĩa là không biến động mạnh, dự báo tăng trưởng kinh tế theo hướng đi xuống chứ không phải tăng lên nhưng giảm không nhiều. Chỉ có điều là ổn định ở mặt bằng thấp, thậm chí rất thấp ở nhiều nền kinh tế. Ngoài ra, IMF nhìn nhận vẫn còn có nhiều rủi ro đe dọa tăng trưởng của kinh tế thế giới khiến cho triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới cho năm 2025 cũng không được sáng sủa.

Nói cách khác, IMF cho rằng, tăng trưởng của kinh tế thế giới cả cho năm 2024 cũng như năm 2025 đều chưa thể trở lại được mức độ đã đạt được ở thời trước đại dịch Covid-19. Cũng có thể hiểu theo hướng, kinh tế thế giới vẫn chưa qua hẳn cơn bĩ cực và vẫn phải tiếp tục đợi chờ thời thái lai.

IMF đã điều chỉnh dự báo mức độ tăng trưởng theo hướng đi xuống cho kinh tế thế giới nói chung và cho tất cả các nền kinh tế lớn và phát triển trên thế giới. Theo đó, tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2024 chỉ đạt mức 3,2%, không thay đổi trong năm 2025 và giảm 0,1% so với năm 2023. Ngoài Mỹ (2,8%) và Tây Ban Nha (2,9%), tăng trưởng kinh tế của tất cả các quốc gia thuộc khối phương Tây và trong diện các nền kinh tế phát triển đều dưới 1,3%. Kinh tế Trung Quốc cũng bị IMF hạ thấp mức độ dự báo tăng trưởng cho năm 2024 và 2025. Các nền kinh tế ở khu vực Trung Á và Trung Đông ở trong tình trạng tương tự. Chỉ có Ấn Độ (7%), các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển (5,3%) được IMF dự báo khả quan hơn cả, nhưng cũng đều suy giảm trong năm 2025.

IMF không mấy lạc quan trong dự báo này mà tỏ ra rất thận trọng vì IMF không thể bỏ qua được nhiều rủi ro vẫn tiếp tục đe dọa tăng trưởng của kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế. Hiện trên thế giới vẫn tiếp tục thiếu vắng những đầu tầu cho tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung. Làn sóng lạm phát gia tăng ở nhiều nền kinh tế đã bớt sôi động nhưng áp lực từ tăng giá cả tiêu dùng, giá nguyên vật liệu và nhiên liệu vẫn còn rất mạnh ở tất cả các nền kinh tế. Chiến tranh và xung khắc bạo lực, đối đầu chính trị và xung khắc thương mại giữa các nhóm phái, các đối tác lớn, thiên tai, bất cập về chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia, chuỗi cung ứng toàn cầu luôn bị đe dọa ngưng trệ… đều tác động rất tiêu cực và bất lợi tới kinh tế thế giới cũng như tới các nền kinh tế riêng rẽ ở mọi nơi trên thế giới.

Ở nhiều nền kinh tế lớn, công cuộc cải cách cơ cấu không được thực thi triệt để, ổn định chính trị – xã hội chưa được bảo đảm. Sự thay đổi tổng thống ở nước Mỹ tới đây cũng sẽ tác động rất khó lường tới triển vọng tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới. Từ dự báo này của IMF có thể dự liệu được rằng, năm 2025 sẽ vẫn là một năm ảm đạm đối với kinh tế thế giới, chưa thể là năm bản lề hướng tới tăng trưởng cao hơn, năng động hơn và bền vững hơn.

Theo Đại sứ Trần Đức Mậu

Hanoimoi (Ngày 25/10/2024)