Sự kỳ diệu của nông nghiệp hữu cơ
- Tin thương mại
- Tháng Mười Hai 16, 2021
- 307
Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty ong Biển tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Đi lên từ thợ cơ khí
Năm lên 13 tuổi, ông Nam mồ côi cha và được gửi vào ở với anh chị tại Bà Rịa – Vũng Tàu. 18 tuổi ông bắt đầu học nghề cơ khí, được khuyên vào làm cho một xí nghiệp thuộc Liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Sau khi đã tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm, ông quyết định ra ngoài làm. Năm 1991, ông sáng lập một cơ sở chế tạo (tiền thân của Công ty ong Biển), bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo dây chuyền sản xuất phân bón thay thế máy móc cũ kỹ. Trải qua nhiều năm, sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh ong Biển được nhiều người biết đến.
Từ phân bón, ông tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực chế biến thực phẩm. Ông mua lại các nhà máy sản xuất thực phẩm thua lỗ triền miên rồi cải tạo lại dây chuyền sản xuất (kể cả nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài) như các nhà máy sản xuất rượu, cồn ở Xuân Lộc, Đồng Nai và Ba Vì, Hà Nội. Tiếp đó, công ty ông đã thành công trong việc chiết tách màng gạo (cám lụa) hữu cơ là chất rất quý, sản xuất men vi sinh thực phẩm xuất khẩu, thức ăn thủy sản. Hiện công ty đang giải quyết việc làm cho 300 lao động với mức thu nhập bình quân 15-20 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, Công ty ong Biển đã sở hữu chuỗi 10 công nghệ lõi trong sản xuất phân bón hữu cơ, thức ăn thủy sản – thức ăn chăn nuôi, trồng trọt – chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, sản xuất giống cây trồng, men thực phẩm…và đang có kế hoạch lắp đặt dây chuyền sản xuất cơm hộp, bánh bao đóng thùng xuất khẩu. Trong đó, cơm hộp có thể giữ được 14 ngày, khách hàng chỉ việc hâm lại để ăn. Ông hào hứng với kế hoạch sản xuất bánh bao, há cảo và tương ớt theo dây chuyền tự động (nhập từ Đài Loan – Trung Quốc, tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng) từ nguyên liệu nông sản hữu cơ do công ty làm ra. Dự kiến, dây chuyền sản xuất thực phẩm tự động này sẽ được lắp đặt đầu tiên ở nhà máy tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) trong tháng 12 này.
Mơ về cường quốc nông nghiệp hữu cơ
Phương châm tồn tại và phát triển của ong Biển chính là khoa học – công nghệ Việt được áp dụng trong điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của con người Việt Nam cho ra sản phẩm NNHC đảm bảo sức khỏe, giá thành phù hợp với túi tiền của người Việt. Từ đó, ong Biển xây dựng các mô hình điểm sản xuất NNHC ở nhiều địa phương như sản xuất lúa – gạo ong Biển (từ năm 2016, công ty liên kết với nông dân sản xuất 10.000ha lúa ở tỉnh Kiên Giang) và chăn nuôi công nghệ cao ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ, Bà Rịa – Vũng Tàu; liên kết sản xuất cà phê sạch nguyên chất ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Sơn La.
Ông Nam trăn trở: “Việt Nam có nền nông nghiệp khá manh mún, những năm gần đây, nhà nước kêu gọi xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nhưng dường như đang bế tắc vì không biết bắt đầu từ đâu”. Ông lý giải: “Công ty chúng tôi làm cà phê sạch thì đầu tiên phải xử lý từ khâu làm đất và mất khoảng 10 năm; có đất sạch mới hạn chế được sâu bệnh rồi đến giống, phân bón, thu hái, rang xay; nhờ đó mới có sản phẩm đồng đều và 100% là cà phê sạch nguyên chất”.
Từ chính kinh nghiệm dùng cám lụa có thể điều trị khỏi nhiều bệnh cho một số người, trong đó có bệnh vảy nến của chính ông và việc xử lý cây Trường Xanh trước Nhà 67 tại khu di tích Phủ Chủ tịch năm 2018 (bị sâu bệnh nặng chỉ còn 10% khả năng sống) mà ông đã thắng, ông Nam cảm nhận được sự kỳ diệu của NNHC. Ông cho rằng, thể trạng người Việt Nam thuộc loại thấp còi do thói quen ăn uống dễ dãi, dùng thực phẩm không sạch gây chuyển hóa bất lợi cho cơ thể và lâu dần thành bệnh. Do vậy, tạo ra được thực phẩm sạch từ sản xuất NNHC sẽ giải quyết được bài toán nâng cao thể trạng cho người Việt.
Từ truyền thống lao động cần cù, từ thành công của chính công ty trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho ông Nam niềm tin vào tương lai của nền nông nghiệp nước nhà. Theo ông, Việt Nam phải làm cuộc cách mạng về khoa học trong nông nghiệp. Đó là không chạy theo số lượng mà phải lấy chất lượng, giá trị làm thước đo; giải quyết tận gốc quy trình làm NNHC để tạo ra sản phẩm vượt trội, giá trị cao được thị trường chấp nhận; người nông dân không cần sản xuất 3 vụ cũng có thể sống khá.
Chia tay ông Nam, chúng tôi thầm mong không chỉ ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà trên cả nước xuất hiện thêm nhiều người có khát vọng làm giàu bằng bản lĩnh trí tuệ để thổi một luồng gió mới mát lành vào nông nghiệp, đưa đất nước đi lên không chỉ bằng nhà máy công nghiệp mà bằng nền nông nghiệp truyền thống nhưng được chắp đôi cánh của khoa học – công nghệ.
Theo đông y, chất cám lụa tức Momilactone A&B (MA, MB) có trong gạo có giá trị rất quý, có tác dụng điều trị nhiều loại bệnh như tiểu đường, gan, huyết áp, tim mạch. Theo kết quả kiểm nghiệm của Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 2019 thì chất MA có trong gạo hữu cơ ong Biển cao gấp 100 lần và MB cao cấp 50 lần so với gạo đặc sản thông thường có trên thị trường. |
Theo VĂN PHONG
SGGP (Ngày 16/12/2021)