
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ
- Trợ giúp pháp lý
- Tháng Mười Một 30, 2018
- 128
File gốc download
CHI THI 20 TTCP1.pdf
CHI THI 20 TTCP2.pdf
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động của Chính phủ. Theo tinh thần đó, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực thực hiện với nhiều biện pháp cụ thể, đặc biệt là đổi mới công tác xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; thời gian thanh tra kéo dài; nội dung tranh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể…
Thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là sự phân công giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và sự phân cấp, ủy quyền giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương chưa rõ ràng. Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CPngày 22 tháng 9 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23 tháng 4 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra và đặc biệt là Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; trong đó, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên.
2. Chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định.
3. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
4. Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị.
5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước của mình; kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp theo thẩm quyền về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra; xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
6. Tổng Thanh tra Chính phủ phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra theo thẩm quyền; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
7. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp; quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra, kiểm tra theo các dấu hiệu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
8. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này, thường xuyên thông báo và định kỳ hàng quý báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ.
Tổng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan, tổ chức liên quan tổng hợp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị này./.
| THỦ TƯỚNG |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-TTg | Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CẢI CÁCH HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH VÀ CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA ĐIỀU KIỆN KINH DOANH
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được một số kết quả ban đầu, cụ thể như: Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh; Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 về quản lý an toàn thực phẩm thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP , đã giảm khoảng 95% lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm….
Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Hầu hết các bộ mới đang thống kê, rà soát, đề xuất phương án hoặc đang dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa; một số bộ đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, một số phương án còn hình thức, chưa triệt để, chưa toàn diện. Do đó, việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Để cải cách thực chất hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Từng đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quán triệt việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng nguồn lực xã hội, do đó cần tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này một cách quyết liệt, thực chất, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.
2. Trước ngày 15 tháng 8 năm 2018, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải gắn mã HS; một sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan ngang bộ hoặc một đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý; phương thức quản lý chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn với nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân; không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch.
Văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 01 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.
Đối với dự thảo các văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thì thời gian các bộ cho ý kiến phối hợp và Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản.
Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Chính phủ chủ trì làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề còn ý kiến khác nhau, nhất là đối với các sản phẩm, hàng hóa chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành. Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ngang bộ và kịp thời thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành, đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư và các quy định liên quan. Nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.
5. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đề cao trách nhiệm trong quá trình thẩm định, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành; kịp thời phát hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền để ngăn chặn việc ban hành những quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý hoặc làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
6. Các bộ, cơ quan ngang bộ công bố kết quả cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh cùng lợi ích kinh tế mang lại ngay sau khi các văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa được cấp có thẩm quyền ban hành,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tập hợp điều kiện đầu tư kinh doanh để công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
7. Các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến về kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
8. Định kỳ hàng quý, các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về số lượng, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và số lượng điều kiện kinh doanh, Trong đó, cần nêu rõ sự tăng, giảm và nguyên nhân của việc tăng, giảm số lượng, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh trong kỳ báo cáo.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và đánh giá về hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chỉ thị; trường hợp phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo; đề xuất việc tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị này.
| THỦ TƯỚNG |