Nhập khẩu rau, quả: Kiềm chế đà tăng

Nhập khẩu rau, quả: Kiềm chế đà tăng

Thời gian gần đây, rau, quả luôn được coi là “ngôi sao” của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch tăng trưởng bình quân ở mức 30%/tháng. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang nhập khẩu (NK) khá nhiều mặt hàng này, trong đó có nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được.


       Tâm lý sính ngoại cũng là nguyên nhân khiến xu hướng nhập khẩu rau, quả gia tăng

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 924,9 triệu USD NK rau, quả các loại, tăng 47,2% so với năm 2015. 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch NK rau, quả đạt 405 triệu USD; dự báo, mốc 1 tỷ USD sẽ sớm đạt được. Thái Lan hiện là thị trường cung cấp rau, quả lớn nhất của nước ta, chiếm trên 50% tổng kim ngạch NK mặt hàng này, tiếp theo là Trung Quốc với 19%, Hoa Kỳ 6,7%, Myanmar 4,5%…

Hiện nay, rau, củ, quả được nhập về chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry, nho (New Zealand, Australia); sầu riêng, xoài, mãng cầu (Thái Lan), bắp cải, xà lách, khoai tây, cam (Trung Quốc)…

Trong khi các loại rau, củ, quả nhập từ Trung Quốc vẫn có thế mạnh là giá rẻ, dễ dàng thâm nhập khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì các loại trái cây cao cấp nhập từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia dù có giá cao vẫn được người tiêu dùng (NTD) ở trung tâm thành phố lựa chọn. Đặc biệt, trái cây NK từ Thái Lan đang ngày càng được NTD Việt Nam ưa chuộng khi xuất hiện khá nhiều tại các siêu thị, cửa hàng nhỏ cũng như len sâu vào chợ cóc, chợ truyền thống do có thế mạnh là giá không quá đắt, chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt. Theo các chuyên gia, sau một loạt những cố gắng thâu tóm hệ thống bán lẻ ở nước ta, giờ là lúc các chủ doanh nghiệp Thái Lan ồ ạt đẩy hàng vào thị trường Việt Nam, trong đó có rau, quả.

Ông Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) – phân tích, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Do đó, ta xuất khẩu được thì nước khác cũng xuất ngược vào nước ta. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải NK những mặt hàng rau, quả trong nước không sản xuất được hoặc NK theo thời điểm những sản phẩm dù sản xuất trong nước nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, ví dụ như dịp lễ, Tết. Tâm lý sính ngoại của một bộ phận không ít NTD cũng là nguyên nhân khiến xu hướng NK rau, quả không ngừng gia tăng.

Mặt khác, xét về lợi thế cạnh tranh, rau quả trong nước vẫn chưa được NTD ưa chuộng vì còn e ngại về chất lượng. Nhiều vụ việc trái cây ngâm hóa chất bị phanh phui, nhiều mặt hàng NK chất lượng kém, đội lốt sản phẩm Việt càng khiến NTD hoang mang. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế khiến trái cây Việt chưa đến được với NTD.

Để giảm đà tăng của NK rau, quả, chinh phục tốt hơn thị trường trong nước là yêu cầu tất yếu. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để NTD ngày càng ưu tiên lựa chọn sử dụng hàng hóa trong nước, trong đó có rau, quả.

Về phía DN, cần xác định thị trường trong nước là thị trường quan trọng để cung cấp những sản phẩm chất lượng, thay vì chỉ dành sản phẩm chất lượng để xuất khẩu. Ông Lê Quốc Phương cho rằng, cần đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Nhà nước, các bộ, ngành cũng cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, đầu tư hệ thống máy móc trong chế biến và bảo quản. Ngoài ra, tích cực triển khai các hoạt động như tổ chức hội chợ, xúc tiến đầu tư, chú trọng quảng bá, giới thiệu trái cây Việt tới NTD nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng thị trường nội địa.

                                                                        Theo Phương Lan
                                                         Báo Công thương (ngày 30/6/2017)