Sẵn sàng với AEC

Sẵn sàng với AEC

Có khoảng 2 – 3% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có những bước chuẩn bị để đón thị trường 600 triệu dân ASEAN.



Hãy thử tưởng tượng, tất cả những hàng rào giữa 10 gia đình được dỡ bỏ, vườn rộng thênh thang, tất cả các yếu tố lao động,
thị trường, công nghệ được tự do dịch chuyển… cơ hội là vô cùng lớn, nhưng thách thức cũng không phải là nhỏ. Đó là cách mà Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội ,Lê Vĩnh Sơn ví von khi nói về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

ASEAN là nhà

Đây chính là lối tư duy mà ông Sơn (đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà) cùng đội ngũ của mình lựa chọn khi đối diện với việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN sắp tới. Với cách nghĩ đó, Sơn Hà đã bắt đầu chuẩn bị cho sân chơi này từ cách đây một năm. “Đến thời điểm này, chúng tôi đã sẵn sàng và có một tâm thế thoải mái cho cuộc chơi này”, ông Sơn chia sẻ.

Được biết, cách đây không lâu, một đối tác trong cùng lĩnh vực của Malaysia đã đặt vấn đề liên doanh, hợp tác với Sơn Hà để khai thác thị trường khu vực ASEAN. Đó là động thái cho thấy, các doanh nghiệp trong khu vực cũng đang tìm cách xoay xở và họ đã chọn giải pháp hợp tác, thay vì phải cạnh tranh với những doanh nghiệp Việt Nam như Sơn Hà.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép không gỉ, công nghệ là yếu tố được Sơn Hà đặt lên hàng đầu. Ông Sơn khẳng định, đến nay, về
công nghệ trong lĩnh vực ống thép không gỉ và bồn nước inox, Sơn Hà hoàn toàn không ngại cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.

Một năm vừa qua cũng là thời gian Sơn Hà khẩn trương mở rộng mạng lưới để chiếm lĩnh và phủ sản phẩm tại thị trường trong nước. Song song với đó, Sơn Hà cũng rà soát lại việc đầu tư tại các thị trường xuất khẩu để nhanh chóng rút lui khỏi những thị trường không thực sự tiềm năng, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý… như thị trường Mỹ, Trung Đông để tập trung cho thị trường nội địa ASEAN với 600 triệu dân trong thời gian tới.

Số doanh nghiệp có được sự chuẩn bị tích cực và sẵn sàng cho AEC không nhiều. Con số này chỉ rơi vào khoảng 2-3% tổng số doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường

Với một doanh nghiệp có bề dày hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm như Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan), để đủ sức cạnh tranh khi hội nhập, từ năm 2010, họ đã tính đến việc phải tập trung vào năng lực lõi là thực phẩm tươi sống – thực phẩm chế biến, đồng thời đầu tư xây dựng chuỗi giá trị khép kín.

Ông Văn Đức Mười – Tổng giám đốc Vissan cho biết, trong 5 năm qua, Vissan đã thẩm định các nguồn lực, tái cấu trúc lại bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư vào đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản trị. Những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng truy xuất nguồn gốc, sản xuất an toàn từ trang trại đến bàn ăn cũng được Vissan triển khai quyết liệt.

Hiện một cụm công nghiệp riêng, với sáu nhà máy liên hoàn từ giết mổ đến chế biến các chủng loại sản phẩm theo công nghệ an toàn và truy xuất nguồn gốc, có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng đang được Vissan triển khai để nâng cấp chất lượng sản phẩm. Để chủ động nguyên liệu đầu vào, Vissan cũng đã liên kết chặt chẽ với các công ty chăn nuôi lớn, các trại chăn nuôi công nghiệp để tạo liên kết vùng, liên kết ngành.

Rõ ràng, với những doanh nghiệp như Vissan, việc nắm chắc chuỗi giá trị trong lĩnh vực kinh doanh của mình là một điểm cốt yếu để đủ sức cạnh tranh với những doanh nghiệp của các quốc gia khác. Nhắm đến việc khai thác cơ hội từ thị trường chung, nhưng không bỏ qua thị trường trong nước là điều mà cả Sơn Hà và Vissan hiện đang làm.

Nói về sự chuẩn bị cho việc gia nhập sân chơi AEC của các doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch hiệp hội cho biết, ba khía cạnh chính mà các doanh nghiệp đang tập trung chuẩn bị là: công nghệ, đào tạo – nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nắm vững các vấn đề pháp lý tại các quốc gia trong khu vực.

Cơ hội để thay đổi

“Nói đến thị trường chung ASEAN, nhiều doanh nghiệp vẫn còn ngơ ngác lắm!”

Tuy nhiên, số doanh nghiệp có được sự chuẩn bị tích cực và sẵn sàng cho AEC như Sơn Hà hay Vissan không nhiều. Ông Cao Sỹ Kiêm ước đoán, con số này chỉ rơi vào khoảng 2 – 3% tổng số doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường.

Với tư cách là Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, ông Lê Vĩnh Sơn cũng chia sẻ: “Nói đến thị trường chung ASEAN, nhiều doanh nghiệp vẫn còn ngơ ngác lắm! Nhận thấy sức ép và nguy cơ còn là may, nguy hiểm hơn là một nhóm không ít doanh nghiệp vẫn rất bàng quan. Nếu coi khủng hoảng kinh tế những năm qua kéo theo hàng chục vạn doanh nghiệp ra đi như một cuộc thanh lọc đau đớn, thì AEC rất có thể là cuộc thanh lọc lần hai, chỉ có những doanh nghiệp có khả năng thay đổi và thích nghi mới có thể tồn tại được”.

Cơ hội cho sự thay đổi không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn đúng với cả cơ quan quản lý nhà nước. Bởi lẽ, như ông Sơn chia sẻ, tiếng nói để tạo sức ép khiến Chính phủ phải thay đổi không chỉ đến từ doanh nghiệp trong nước, mà còn từ doanh nghiệp đến từ chín quốc gia còn lại. Nhìn trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Mười kỳ vọng: “Đây sẽ là một thời cơ lớn đối với ngành, để lập lại trật tự, quy hoạch và xây dựng lại từ đầu, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn về phát triển như thời gian qua”.

Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì việc xây dựng hành lang pháp lý, tạo ra một môi trường thể chế phù hợp cho sân chơi này của các cơ quan quản lý nhà nước là điều kiện cần để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tồn tại và khai thác được cơ hội từ AEC.

                                                                Theo Hoàng Anh
                                                          DĐDN (ngày 20/5/2015)