Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2014

Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2014

Sáng nay 8-5 (10-4 âm lịch), tại Trung tâm Hội nghị quốc tế chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2014, với chủ đề: Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.


    Không gian tại Bái Đính (Ninh Bình) phủ đầy mầu sắc Phật giáo
                                         trong đại lễ Phật đản.

Tới dự, có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Dự lễ, có Thủ tướng nước Cộng hòa XHCN Dân chủ Sri Lanka D.M. Jayaratne.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh gửi lẵng hoa chúc mừng Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2014.

Dự Đại lễ, có 3.500 đại biểu chính thức, trong đó, hơn có 1.000 đại biểu quốc tế và hơn 10.000 tăng ni, Phật tử các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2014 đọc diễn văn khai mạc, nêu rõ: Việt Nam lần thứ hai đăng cai sự kiện quốc tế quan trọng này, thêm một lần nữa, có cơ hội truyền bá thông điệp và các giá trị về từ bi, hòa bình, bất bạo động, độ lượng của đức Phật đến với thế giới. Đây là một vinh dự lớn cho Việt Nam, dân tộc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật tử Việt Nam trên khắp thế giới, tổ chức đại lễ Vesak LHQ và hội thảo khoa học quốc tế nhằm truyền bá di sản văn hóa Phật giáo, cũng như những lời dạy cao quý của đức Phật về bình đẳng, tôn trọng, hiểu biết vì lợi ích của nhân sinh.


                      Đoàn đại biểu Phật giáo Nhật bản về dự đại lễ.

Tăng ni và Phật tử trên khắp hành tinh, đặc biệt là cộng đồng Việt Nam vô cùng hân hoan khi Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện trọng đại và an lành này lần thứ hai. Sự kiện học thuật, văn hóa và tôn giáo này chắc chắn góp phần tích cực trong việc đề cao sự tương tác và giao lưu văn hóa Phật giáo cũng như các giá trị tri thức giữa các quốc gia và cộng đồng khác nhau.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, Hòa thượng Brahamapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) ôn lại lịch sử của Ngày Vesak, đồng thời, bày tỏ niềm hoan hỷ vì sự tổ chức chu đáo Đại lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cảm ơn lãnh đạo Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho Đại lễ diễn ra thành công.

Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi Thông điệp tới Đại lễ. Thông điệp có đoạn: Hôm nay, trong không khí đại hoan hỷ và hòa hợp của người con Phật đại diện cho các tổ chức hệ phái Phật giáo trên thế giới vân tập về đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi, để cùng nhau tổ chức ngày Vesak (gọi tắt là Đại lễ Phật đản), Phật lịch 2558, dương lịch 2014. Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân danh cá nhân, Tôi có lời cầu chúc đến Chư tôn đức Giáo phẩm, cùng toàn thể quý vị Đại đức Tăng ni, Cư sĩ Phật tử và quý vị khách quý thân tâm thường an lạc, thành tựu mọi Phật sự.

Trải qua hơn 2000 năm lịch sử hiện diện và đồng hành với dân tộc Việt Nam, Đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”, chúng tôi tin tưởng rằng Đại lễ Tam hợp lần thứ XI Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam, Tăng ni, Cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ duyên để chia sẻ những kinh nghiệm và học thuật uyên thâm của các học giả đến từ khắp các châu lục. Bên cạnh đó, Quý vị cũng sẽ tham gia các hoạt động nằm trong khuôn khổ của Đại lễ như nghi lễ cầu nguyện hòa bình thế giới, biểu diễn văn hóa nghệ thuật Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam, tham quan di sản văn hóa Phật giáo xưa và nay. Đó là những Phật sự có ý nghĩa của Tăng ni, Phật tử vân tập tại đây để thành tâm kính dâng lên Đức Từ Phụ nhân ngày Đản sinh của Người.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lời chúc tốt đẹp, tình thân ái, hữu nghị và đoàn kết tới các đại biểu và toàn thể Tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2014 được tổ chức tại Việt Nam, đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt sớm trên đất nước này từ gần 2.000 năm về trước, trong suốt chiều dài lịch sử ấy Phật giáo luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, luôn tỏ rõ phương châm nhập thế gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì mục tiêu hạnh phúc an vui cho con người.

Mục tiêu cao cả ấy càng rõ nét và càng đạt được thành quả lớn lao qua vai trò thực hiện và hướng dẫn thực hiện có hiệu quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Việt Nam hôm nay với chủ trương phát huy tối đa nội lực, đồng thời tôn trọng và sẵn sàng tiếp nhận sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẵn sàng mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, vì lợi ích các bên cùng có lợi trên nền tảng hòa bình và sự phát triển bền vững. Trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc song cũng sẵn sàng tiếp thu đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến của nhân loại.

Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội từ việc hướng con người tới đạo đức chân, thiện, mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam đang tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội mới với mục tiêu “Dân giàu – Nước mạnh – Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn, Đại lễ Phật đản LHQ được tổ chức hàng năm với sự tham gia của đông đảo các tông phái Phật giáo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới là cơ hội, là nhịp cầu giúp cho tất cả những người anh em có tín ngưỡng Phật giáo được gặp gỡ nhau để tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật, đồng thời chia sẻ và động viên nhau nhất tâm học tập, làm việc để đưa những tư tưởng tiến bộ của Đức Phật vào cuộc sống của xã hội hôm nay, để hướng tới một cuộc sống giảm thiểu xung đột và khổ đau, xây dựng một xã hội phát triển trong hoà bình và an lạc.

Chủ tịch Quốc hội bảy tỏ hy vọng, Đại lễ Phật đản LHQ năm nay sẽ là cơ hội tốt để nhìn nhận và đánh giá lại những cố gắng của cộng đồng thế giới trong việc xây dựng và phát triển xã hội trong hòa bình, hữu nghị, thắt chặt thêm sự đoàn kết, gắn bó hữu nghị, cùng nhau kiến tạo xã hội tốt đẹp, góp phần ngăn chặn sự xung đột, hóa giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con người tới cuộc sống an vui.


                                             Toàn cảnh phiên khai mạc.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, Thủ tướng Sri Lanka D.M. Jayaratne đã cảm ơn sáng kiến tổ chức Đại lễ của Việt Nam, đồng thời khẳng định giá trị của lời Phật dạy vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa cho đến ngày hôm nay và đến mai sau nhằm xây dựng một xã hội hòa hợp, thanh bình cho nhân loại. Ngài Thủ tướng hy vọng qua Vesak 2014, thế giới cùng nhau có trách nhiệm trong việc giới thiệu quan điểm của Phật giáo đến toàn nhân loại để góp phần thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã gửi Thông điệp tới Đại lễ

Ngài Ban Ki-moon, Tổng Thư ký LHQ: Tôi đặc biệt hoan nghênh chủ đề của Đại lễ Vesak lần này tại Việt Nam và mong muốn của quý vị trong việc khám phá những quan điểm Phật giáo nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Vì những lời dạy của Đức Phật có giá trị vĩnh cửu, cho nên trong thời đại ngày nay quan điểm Phật giáo vẫn có giá trị khi chúng ta thúc đẩy nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đưa thế giới vào một con đường phát triển công bằng và bền vững hơn…Vào ngày này của Đại lễ Phật đản, chúng ta hãy cam kết làm việc cùng nhau vì lợi ích chung, và cho sự tiến bộ của toàn thể nhân loại. Xin cảm ơn quý vị đã cam kết cho những lý tưởng này, và kính chúc quý vị một Đại lễ Vesak an lạc và đáng nhớ.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova: Chúng ta đang sống trong một thời đại của sự chuyển dịch, khi mà những câu hỏi “Làm sao để sống cùng nhau? Làm sao để bảo vệ hành tinh của chúng ta? và Làm sao để tạo dựng những nền tảng mạnh mẽ hơn cho sự hòa bình?” đòi hỏi những câu trả lời mang tính tập thể và có sáng kiến hơn. Những công nghệ mới đang gắn kết các xã hội lại gần nhau hơn nhưng chúng cũng làm cho chúng ta dễ bị tổn thương hơn, với sự bất bình đẳng và nghèo khó ngày càng gia tăng.

Những mâu thuẫn do hận thù và sợ hãi vẫn đang gay gắt trên khắp thế giới. Những giới hạn của hành tinh chúng ta đang bị kéo căng ra bởi những mô hình phát triển không bền vững. Những chiều hướng về môi trường, kinh tế và xã hội của sự phát triển không bền vững phải được xem như một chương trình nghị sự riêng biệt.

Để đối phó với những thách thức đó, thì những giải pháp về kinh tế, tài chính thôi chưa đủ. Chúng ta phải bắt đầu từ trên ghế nhà trường, ngay từ trong tâm của những bé trai và bé gái. Giáo dục là công cụ mạnh mẽ nhất để nâng cao phẩm giá con người, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và để xây dựng nền hòa bình dài lâu. Giáo dục là cách tốt nhất để đưa ra những phương thức mới trong việc hành xử với người khác và với hành tinh chúng ta đang sống. Giáo dục còn là nền tảng cho việc phát triển những hình thức mới của công dân toàn cầu và sự đoàn kết, những điều rất thiết yếu trong xã hội hiện tại.

Những mục đích này định hướng cho hành động của UNESCO nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn thế giới và hướng đến sáng kiến đầu tiên về giáo dục toàn cầu của Tổng Thư ký LHQ. Trong tất cả những điều này, những lời dạy của Đức Phật về tính toàn thể, về từ bi và hòa bình có sự cộng hưởng mạnh mẽ với sứ mệnh của UNESCO trong việc tăng cường tính thống nhất về trí tuệ và đạo đức cũng như quan điểm chung của chúng ta về một cuộc sống hòa bình và công bằng hơn cho mọi phụ nữ và nam giới. Những giá trị này tuy đã có từ lâu đời nhưng chúng vẫn rất thích hợp cho việc đối phó với những thách thức trong thời đại chúng ta hiện nay.

Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee: Tôi vui mừng khi biết rằng lễ kỷ niệm ngày Đại lễ Phật đản của Liên hợp quốc lần thứ 11 năm 2014 được Tăng đoàn Phật giáo quốc gia Việt Nam tổ chức lần thứ hai từ ngày 7-11 tháng 5 năm 2014. Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ mối liên kết lịch sử, văn hóa và văn minh thân thiết. Phật giáo là một khía cạnh quan trọng của di sản chung của chúng ta. Đời sống và lời dạy của Đức Phật Thích Ca đã ảnh hưởng đến mọi người trên toàn thế giới trong nhiều thế kỷ. Thông điệp hòa bình, hoan hỉ và lòng từ bi thậm chí có liên quan đến ngày hôm nay hơn bao giờ hết. Tôi lấy cơ hội này, tôi chân thành gửi lời chúc tốt nhất của tôi đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quốc gia về ngày Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc năm 2014. Tôi tin rằng những di sản trí tuệ, đạo đức và tinh thần của Đức Phật sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ hiện tại và tương lai thông qua các sự kiện như vậy.

Tại phiên khai mạc Đại lễ, các đại biểu, tăng ni, Phật tử còn nghe Thông điệp do lãnh tụ các giáo hội Phật giáo thế giới (Thái Lan, Căm-pu-chia, Nhật Bản, Lào,…) gửi tới.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc có chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ”. Trong hai ngày tới, ngoài việc lắng nghe thông điệp Vesak từ các vị Tăng thống Phật giáo, đại diện LHQ, lãnh đạo UNESSCO, các tổng thống, thủ tướng, đại sứ, tất cả chúng ta cùng chia sẽ cách tiếp cận và giải pháp Phật giáo nhằm hồi đáp lại tám mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ, bao gồm: Xóa bỏ nghèo khổ, đói kém và chiến tranh; Phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em; Tăng cường bình đẳng giới tính, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội; Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; Nâng cao sức khỏe cho các bà mẹ; Phòng và chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; Bảo đảm bền vững môi trường; Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục tiêu phát triển.

Bảy diễn đàn thể hiện sự hồi ứng của Phật giáo về các mục tiêu trên, bao gồm:Hồi ứng Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Đóng góp Phật giáo về lối sống lành mạnh; Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu-mâu thuẫn; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học; Văn hóa và công nghệ Phật giáo: Các chiến lược nghiên cứu mới; và diễn đàn tiếng Việt: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”.

Các đại biểu dự Đại lễ đã trải nghiệm các hoạt động văn hóa như: triển lãm văn hóa Phật giáo đương đại, các vũ điệu Phật giáo thế giới, hội chợ văn hóa Phật giáo, diễu hành xe hoa, khóa tụng kinh và lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình, đàn lễ dâng cúng mười phương Phật….


               Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu
                                        dự phiên khai mạc.

Khái quát về Vesak Liên hợp quốc

Đại lễ Vesak LHQ là một trong các hoạt động văn hoá mang tính quốc tế của LHQ. Ngày 15-12-1999 tại Đại hội đồng LHQ khóa 54, mục 174 của chương trình nghị sự LHQ đã chính thức công nhận tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn, thời gian tương đương với tháng 5 dương lịch) là Đại lễ Vesak LHQ, và là ngày lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của LHQ, được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc và các trung tâm Liên hợp quốc ở các khu vực từ năm 2000. Được gọi chung là Đại lễ Vesak LHQ.

Vào năm 2000, Đại lễ Vesak LHQ đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở LHQ, New York với sự tham gia của các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.

Từ năm 2004 đến nay, cộng đồng Phật giáo thế giới đã tổ chức thành công 10 lần Đại lễ Vesak LHQ, trong số đó, có 9 lần dưới sự bảo trợ của chính phủ Hoàng gia Thái Lan và sự chứng minh của Giáo hội Phật giáo Thái Lan, trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn làm đơn vị tổ chức chính tại Trụ sở LHQ châu Á Thái Bình Dương và Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, Bangkok, Thái Lan. Năm 2008, Việt Nam đăng cai trọng thể Đại lễ này, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước và GHPGVN với bạn bè trên thế giới.

Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam tại công văn số 863/TGCP-PG ngày 18/9/2013 của Ban Tôn giáo Chính phủ; Công hàm số 614 ngày 04/9/2013 của Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 28 – 29-9-2013, sau khi xem xét thư đăng cai chính thức của GHPGVN số 177 ngày 23-9-2013 do Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự đề xuất, tại Văn phòng Viện trưởng của Đại học Mahachulalongkorn, Hòa thượng GS.TS. Brahmapundit đã căn cứ vào Hiến chương Đại lễ Vesak LHQ ủng hộ và chấp thuận GHPGVN đăng cai ĐLPĐLHQ 2014, tên gọi trước đây là IOC, nay là ICDV.

Đại lễ Vesak LHQ 2014 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp tổ chức của Ủy ban Tổ chức quốc tế (ICDV), sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam.

Ý nghĩa Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2014

Ý nghĩa tâm linh: Thiết lập nhịp cầu tâm linh và học hỏi kinh nghiệm Phật sự của hơn 800 phái đoàn Phật giáo thế giới đến từ 90-100 quốc gia; đồng thời thực hiện các nghi thức hành trì của các tông môn pháp phái Phật giáo trên khắp thế giới; tạo hiệu ứng rộng lớn về niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của Phật giáo, mang lại cho đời sống xã hội các giá trị hoà bình, an lạc và hữu nghị.

Ý nghĩa Giáo hội: Là cầu nối giữa Phật giáo Việt nam với Phật giáo thế giới, là cơ hội để Phật giáo khắp thế giới tập hợp nhau lại, để cùng nhau xây dựng cuộc sống hữu nghị, hòa bình vì hạnh phúc của con người. Đối với GHPGVN đây là cơ hội quý báu lần thứ hai, sau sự thành công năm 2008, để tỏ rõ vị thế của Phật giáo trong giai đoạn mới, qua đó khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo và đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam.

Ý nghĩa văn hóa: Tưởng niệm Đại lễ Vesak LHQ là ngày quốc tế về tôn giáo và văn hóa, tạo sự giao lưu, học hỏi các tinh hoa văn hóa các nước; đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hóa Phật giáo cấp thế giới và quốc gia.

Về phương diện đạo đức: Trong thời đại mà nền kinh tế, khoa học và kỹ thuật phát triển không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thì áp lực về vật chất ngày càng gia tăng đè nặng lên đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Do đó, con người có nhu cầu tìm về những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh đó, đạo đức Phật giáo có một ý nghĩa quan trọng đối với việc bồi đắp đời sống tinh thần lành mạnh đối với con người.

Ý nghĩa học thuật: Gắn liền với chủ trương của Liên hợp quốc và mối quan tâm của quốc gia tổ chức, các chuyên đề Hội thảo Phật giáo thế giới và tuyên bố Hà Nội là sự đóng góp của Phật giáo vào kho tàng tri thức nhân loại, đồng thời đóng góp vào các giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu.

Ý nghĩa ngoại giao: Tạo hình ảnh tốt đẹp đối với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hoà hợp, đoàn kết và phát triển. Qua đó, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thế giới, tăng cường thiết lập bang giao và hữu nghị với tất cả quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời cũng thể hiện sự gánh vác, vai trò của Việt Nam với việc thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam nhằm xây dựng hòa bình trên thế giới và khu vực.

Ý nghĩa kinh tế: Góp phần tích cực trong việc phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua Đại lễ Vesak LHQ 2014.

                                  Theo Song Linh – Vĩnh Khang – Ảnh: Duy Linh
                                                Báo Nhân dân (ngày 8/4/2014)