Tưng bừng lễ hội Gò Đống Đa: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

Tưng bừng lễ hội Gò Đống Đa: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

Từ sáng sớm ngày 4-2 (mùng 5 Tết Giáp Ngọ), hàng ngàn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã nô nức trảy hội gò Đống Đa, tưng bừng kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.


        Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa tại Hà Nội.
                                             Ảnh: Lã Anh

Cách đây vừa tròn 225 năm – mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, bất ngờ vào Thăng Long. Đỉnh cao là trận chiến đêm mùng 4, rạng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30-1-1789), đồn trại giặc ở Khương Thượng bị phá hủy khiến tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại đây. Quân ta đã đánh bại hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Hàng năm cứ vào ngày mùng 5 Tết nhân dân thường tổ chức hội Gò Đống Đa để ôn lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đây, đặc biệt có tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.

Năm nay, thời tiết mát mẻ, hanh nắng, nên ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân và du khách thập phương đến tham dự lễ kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2014) khiến con phố Đặng Tiến Đông chật ních người qua lại. Trải qua bao nhiêu mùa lễ hội, hội gò vẫn duy trì được những nghi lễ truyền thống.

° Tối 4-2, tại Công viên Văn hóa Tao Đàn đã diễn ra chương trình sân khấu hóa với chủ đề “Hào khí trời Nam” nhân kỷ niệm 225 năm ngày chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử (1789 – 2014). Đến tham dự chương trình có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Võ Thị Dung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM; Trương Thị Ánh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng đông đảo các đại biểu, người dân TPHCM.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Võ Thị Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM khẳng định: Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là chiến thắng của ý chí quật cường, không cam chịu sống kiếp nô lệ, chiến thắng tiêu biểu của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của truyền thống đoàn kết quân dân, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Đây còn là chiến thắng của chiến lược quân sự tài tình thần tốc, dũng mãnh, bất ngờ của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của nhà quân sự chính trị thiên tài Quang Trung – Nguyễn Huệ. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng ta và tiếp tục thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nước Việt Nam to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hăng hái tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ, sáng tạo không ngừng, tạo động lực, niềm tin, vượt qua thách thức, khó khăn nhằm xây dựng TPHCM trở thành đô thị đặc biệt, thành phố văn minh nghĩa tình, xứng đáng thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Buổi lễ thu hút đông đảo người dân thành phố tham dự và thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt với các tiết mục ca nhạc, sân khấu cải lương đặc sắc như: Hào khí trời Nam; Áo vải Tây Sơn; Tây Sơn quyết chiến… tái hiện hình ảnh đất và con người Bình Định cùng những trận đánh lịch sử hào hùng của dân tộc, kêu gọi thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha ông, làm rạng danh non sông đất nước Việt Nam.

° Sáng 4-2, tại Bảo tàng Quang Trung, làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định) – quê hương người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Bình Định tổ chức Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật có chủ đề: “Chiến thắng Đống Đa – bản hùng ca bất diệt” gồm 3 chương “Dựng cờ khởi nghĩa”; “Đại thắng quân Thanh – Giải phóng Thăng Long” và “Tiếp bước truyền thống oai hùng, Bình Định tự hào đi lên”. Chương trình kéo dài khoảng 80 phút do các nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật cùng hàng trăm võ sinh tham gia thể hiện. Dịp này, tại Bảo tàng Quang Trung còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ độc đáo như: biểu diễn nhạc võ cổ truyền Tây Sơn, cồng chiêng Tây Nguyên, các trò chơi dân gian: múa lân, kéo co, đẩy gậy, ném vòng, chọi gà, giựt cờ…

° Sáng cùng ngày, nhân kỷ niệm 226 năm Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại núi Bân (1788 – 2014) và 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2014), lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức dâng hương tưởng niệm tại Khu tưởng tiệm Tượng đài Quang Trung (núi Bân, phường An Tây, TP Huế). Hiện núi Bân đã xây dựng thành Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung trên khu đất rộng 9,5ha. Trong đó điểm nhấn là tượng đài Quang Trung bằng đá thạch anh được ghép từ 8 khối đá với 18 mảng, mỗi mảng nặng 10 – 60 tấn. Ngoài tượng đài, khu tưởng niệm còn có sân hành lễ, nhà thờ Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân cùng các quan văn võ; nhà trưng bày tư liệu hiện vật phong trào khởi nghĩa Tây Sơn…


                                                                 Theo Nhóm PV
                                                            SGGP (ngày 5/2/2014)