Đưa nông sản vào Hàn Quốc

Đưa nông sản vào Hàn Quốc

Dù Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của nước ta, song nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn chưa tìm được đường vào thị trường này do còn vướng nhiều rào cản.



Thiếu tính đồng nhất

Ông Hong Won Sik, đại diện Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), chia sẻ trong thời gian sống ở Việt Nam ông đã thử qua nhiều sản phẩm nông sản như gạo, cà phê, trái cây và cảm thấy rất ngon. Ông Hong cũng cho biết thêm khá nhiều bạn bè của ông sau những chuyến công tác tại Việt Nam cũng mua những đặc sản này về làm quà tại Hàn Quốc.

“Hiện ở Hàn Quốc có nhiều sản phẩm nông sản được nhập từ Trung Quốc, song nhìn nhận của người tiêu dùng với sản phẩm Trung Quốc không mấy tích cực, trong khi sản phẩm Việt Nam đang dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng” – ông Hong nói. Song, vì sao nông sản Việt Nam vẫn chưa thể thâm nhập mạnh vào thị trường này?

Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á-Thái Bình Dương, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc, giải thích một phần nguyên nhân do Chính phủ Hàn Quốc có những quy định khắt khe để bảo vệ sản phẩm nông sản sản xuất trong nước. Nhưng cái chính vẫn là từ phía các đơn vị xuất khẩu của Việt Nam.

“Một số đơn vị xuất khẩu của Việt Nam thường chỉ đảm bảo chất lượng trong thời gian đầu, sau đó thiếu sự kiểm duyệt cẩn trọng trước khi xuất khẩu, trong khi những đối tác Hàn Quốc lại rất nhạy cảm với tính ổn định và lâu dài, chính vì thế họ có thể mất niềm tin” – ông Hải nói.

Đồng ý với ý kiến này, Lotte Việt Nam cũng đã chỉ ra một số điểm cần khắc phục của nông sản Việt Nam khi muốn xuất sang Hàn Quốc. Thứ nhất, tính đồng nhất của sản phẩm. Có không ít trường hợp những chuyến hàng đầu đảm bảo nhưng những chuyến sau không đảm bảo.

Thứ hai, đóng gói bao bì của sản phẩm Việt Nam hiện vẫn còn kém hơn so với những sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ… Điều này phần nào lý giải vì sao Hàn Quốc vẫn nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc thay vì Việt Nam. Ngoài ra, việc để lẫn những dị vật như đất, tóc, lá cây… vào trái cây xuất khẩu cũng là nguyên nhân khiến một vài lô hàng bị trả về.

Vấn đề thời gian cũng hết sức quan trọng, vì Hàn Quốc có 4 mùa nên nếu không đảm bảo thời gian giao hàng có thể nhà nhập khẩu sẽ từ chối sản phẩm do thị trường không còn nhu cầu nữa. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa nông sản Việt Nam không còn đường thâm nhập vào thị trường tiềm năng này. Thực tế cơ hội đang rất lớn, cái quan trọng là sự nắm bắt kịp thời của nhà xuất khẩu Việt Nam.

Từng bước gỡ rào cản

Cho đến nay cũng có không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất sang thị trường Hàn Quốc. Về trái cây có những sản phẩm như dừa, thanh long, xoài, măng cụt, chuối, ổi, bưởi… Về rau củ có cà rốt, tỏi, bông cải xanh, rau diếp hay cải thảo…

“Để có thể xuất khẩu nông sản sang thị trường Hàn Quốc, phải chú ý đến thời điểm vì Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét từng thời kỳ để cho nhập sản phẩm nào với những điều kiện ra sao” – ông Lê An Hải cho biết thêm.

Cho đến thời điểm này, một số đơn vị của Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ về điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thỏ Việt, nói: “Hiện chúng tôi có đất, có nhân lực, tài chính nhưng lại không biết làm như thế nào để có thể xuất khẩu sản phẩm nông sản của mình qua thị trường Hàn Quốc”.

Tương tự, một đơn vị khác cũng chưa rõ về những điều kiện để có thể đưa hàng sang thị trường này là Công ty Thực phẩm Thiên Hương. Điều này cho thấy việc tìm hiểu những quy định của nước nhập khẩu là hết sức quan trọng. “Việc tìm một đối tác nhập khẩu tiềm năng và đáng tin cậy hết sức quan trọng vì họ có thể hỗ trợ nhiều trong việc chia sẻ những thông tin như luật, giá sản phẩm, lộ trình kinh doanh” – đại diện Tập đoàn Dole Việt Nam chia sẻ.

Thực ra, ngay cả những nhà phân phối lớn như Lotte cũng phải đi tìm những đối tác xuất khẩu khi thị trường có nhu cầu về sản phẩm cũng như chính phủ cho phép nhập khẩu. Riêng về những rào cản khắt khe từ phía Chính phủ Hàn Quốc với những sản phẩm nông sản nhập khẩu, phía Việt Nam đang từng bước đàm phán trong hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2014.

Khi đó, có thể những rào cản sẽ được mở dần dần và nhóm rau củ quả sẽ có cơ hội tốt hơn. Tính riêng trong năm 2012, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, còn Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc. Thương mại 2 chiều cũng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

Theo mục tiêu, kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt mốc 20 tỷ USD trước năm 2015. Tuy nhiên, theo ước tính, năm 2013 kim ngạch 2 chiều sẽ đạt con số 27 tỷ USD và dự kiến năm 2014 là 30 tỷ USD.


                                                            Theo Đức Mạnh (ĐTTC)
                                                           InfoTV (Ngày 10/10/2013)