Những lưu ý khi xuất khẩu vào Mỹ La tinh

Những lưu ý khi xuất khẩu vào Mỹ La tinh

Là 1 thị trường rộng lớn với 33 quốc gia, Mĩ La tinh đang được coi là 1 thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trọng điểm như Hoa Kì, EU vẫn chưa thực sự bước qua khỏi khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu vào thị trường này hiện vẫn gặp phải nhiểu rào cản, vướng mắc.



Hiện Việt Nam đang có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong khu vực. Hoạt động giao thương diễn ra với tất cả các ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch trao đổi liên tục tăng qua từng năm. Năm 2012, kim ngạch trao đổi giữa Việt Nam và thị trường Mĩ la tinh đạt 5,5 tỷ USD. Dự kiến năm nay con số này sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá của doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu vào thị trường này hiện vẫn còn nhiều khó khăn do khoảng cách địa lí quá xa, chi phí đi lại cao công thêm với văn hóa kinh doanh giữa 2 khu vực thị trường còn nhiều khác biệt.

Ông Nguyễn Đức Thăng, Trưởng phòng Thị trường Công ty Cổ phần may Đáp Cầu cho biết, khoảng cách địa lí giữa Việt Nam và Mĩ La tinh quá xa do vậy những chi phí đi lại tìm hiểu thị trường còn nhiều khó khăn, hơn nữa văn hóa tiêu dùng khác biệt cũng gây cản trở cho doanh nghiệp, nhất là với hàng dệt may, thì cần phải sang tận nơi tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng tại đây thì mới xuất khẩu được.

Còn ông Nguyễn Hữu Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Phong Châu nói, khó khăn đầu tiên mà doanh nghiệp sẽ thường gặp phải khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ La tinh là vấn đề thanh toán do tập quán thanh toán của họ khác với những thị trường truyền thống, thêm nữa là cách thức làm việc khác nhau cũng sẽ tạo ra khó khăn trong giai đoạn đầu khi doanh nghiệp thâm nhập sang thị trường này.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mặc dù chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam tương đối tốt và ổn định nhưng thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường này còn nhiều hạn chế. Người tiêu dùng trong khu vực chưa biết đến nhiều sản phẩm của Việt Nam, và 1 số sản phẩm của Việt Nam được biết đến tại thị trường này nhưng lại được gắn mác bởi 1 thương hiệu khác. Điều này đã gây ra những cản trở nhất định trong việc tạo dựng vị thế hàng xuất khẩu Việt Nam những quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH và TM Đức Dương, hiện do chúng ta còn chưa tạo dựng được thương hiệu hàng Việt Nam tại khu vực này, do vậy các doanh nghiệp nên kiến nghị với các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp xúc tiến thương mại nhằm tạo dựng tốt thương hiệu cho hàng VN tại Mĩ La tinh.

Được xác định là 1 khu vực thị trường tiềm năng trong bối cảnh nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn. Thời gian qua lãnh đạo Vụ thị trường Châu Mĩ phối hợp với các cơ quan liên quan đã có nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến trao đổi thương mại giữa 2 bên, tìm ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ chi phí tìm hiểu thị trường cho doanh nghiệp. Thông qua đó giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận sâu hơn vào thị trường và đạt được các kết quả giao dịch tốt hơn.

Ông Nguyễn Hữu Anh chia sẻ kinh nghiệm, tham gia vào thị trường này 3 năm, chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động với Vụ thị trường và Bộ Công thương. Qua đó chúng tôi được tiếp cận nhiều các kênh phân phối và hỗ trợ của Vụ. Trong lúc nền kinh tế còn khó khăn, việc giúp đỡ doanh nghiệp như vậy là rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách cho xúc tiến thương mại còn hạn chế và có nhiều khả năng bị thu hẹp thì tính chủ động của doanh nghiệp cần được phát huy tối đa hơn nữa. Bản thân mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm được hướng đi cụ thể cho mình, đồng thời tìm hiểu kỹ thị trường trước khi tiến hành giao dịch nhằm hạn chế tối đa các rủi ro.

                                                                  Theo Đặng Biên
                                                            InfoTv (ngày 14/6/2013)