
Cẩn trọng khi xuất khẩu sang châu Phi, Trung Đông
- Tin thương mại
- Tháng Sáu 12, 2013
- 67
Châu Phi và Trung Đông hiện đang là thị trường giàu tiềm năng đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, để xuất khẩu (XK) vào hai khu vực này, các DN cũng cần hết sức tỉnh táo để tránh các bẫy lừa đảo cùng nhiều trở ngại trong khâu thanh toán.
Các quốc gia châu Phi và Trung Đông đang rất khuyến khích các dự án
đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, dầu khí và khoáng sản,
nông nghiệp, trồng cây công nghiệp…
Cơ hội lớn
Phát biểu tại hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam-châu Phi-Trung Đông” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 11/6, ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Hiện tại, Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 26 dự án đầu tư tại châu Phi, Trung Đông với tổng vốn đăng ký khoảng 915 triệu USD, chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Ông Chung khẳng định, châu Phi và Trung Đông là những thị trường có tiềm năng rất lớn đối với các DN Việt Nam. Bằng chứng là, chính phủ của các quốc gia tại châu Phi và Trung Đông đang rất khuyến khích các dự án đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, dầu khí và khoáng sản, nông nghiệp, trồng cây công nghiệp… Trong khi đó, đây đều là những lĩnh vực mà phía Việt Nam có lợi thế và hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng. Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Hoàng Oanh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại bổ sung: Hiện nay, việc Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại với 15 nước tại châu Phi-Trung Đông và Hiệp định khung với 17 nước tại khu vực Trung Đông lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam về mặt thuế suất khi XK hàng hóa vào các thị trường này.
Đi sâu phân tích những cơ hội mà thị trường châu Phi, Trung Đông mở ra, ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Phi-Tây Á-Nam Á cũng cho biết: Đây đều là những thị trường có nhu cầu hàng hóa khá lớn. Các mặt hàng NK chính của họ lại là hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị, lương thực, thực phẩm, dược phẩm… Đây đều là các mặt hàng mà DN Việt Nam có thế mạnh. Thêm vào đó, thuế suất NK của Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh – GCC tại Trung Đông khá thấp, chỉ từ 0-5%, tạo thuận lợi về thuế cho DN. Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam cũng đã bước đầu có chỗ đứng và tạo được uy tín đối với người tiêu dùng ở các khu vực này. Ông Hòa khẳng định thêm, một trong các cơ hội lớn đối với các DN Việt Nam khi XK sang châu Phi-Trung Đông là Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao khá tốt, quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị lâu dài với nhiều nước ở hai khu vực này.
Vướng mắc trong thanh toán
Mặc dù giàu tiềm năng, nhưng châu Phi và Trung Đông cũng là những thị trường tiềm ẩn nhiều thách thức buộc các DN phải hết sức cẩn trọng khi muốn XK. Theo ông Lê Thái Hòa, đối với Trung Đông, vấn đề đầu tiên cần phải tính đến là tình hình an ninh, chính trị bất ổn, mâu thuẫn sắc tộc, xung đột tôn giáo tại các quốc gia, chiến tranh trong khu vực. Ngoài ra, là vấn đề thiếu thông tin thị trường, những khác biệt rất lớn về văn hóa, tôn giáo cũng như tập quán kinh doanh. Thêm vào đó, khi XK vào Trung Đông, các DN thường phải đối diện với những rào cản kỹ thuật, bảo hộ của thị trường (như tại Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, I-xa-en).
Còn tại châu Phi, việc một số sản phẩm khi XK phải theo tiêu chuẩn của nước NK hay việc nhãn, mác ký mã hiệu, thông tin về sản phẩm phải ghi bằng tiếng Anh, Pháp hoặc nước sở tại cũng phần nào gây khó cho DN. Tuy nhiên, theo ông Hòa, khó khăn lớn nhất mà các DN muốn XK vào châu Phi, Trung Đông cần phải tính đến chính là vấn đề thanh toán. Ông Hòa cho biết, các DN tại hai khu vực trên thường lựa chọn phương thức thanh toán là đặt cọc trước, chuyển tiền sau. Đặc biệt, họ xem tình trạng nợ lại tiền là điều khá bình thường. Trung bình, DN sẽ nợ lại trong vòng 60 ngày, thậm chí có thể kéo dài tới 90 ngày sau khi nhận hàng.
Điều này sẽ khiến các DN XK rất loay hoay trong thu hồi vốn để quay vòng. Thậm chí, DN XK còn phải đối mặt với khả năng nợ khó đòi. Ông Hòa cũng khuyến cáo, khi muốn XK sang châu Phi, Trung Đông, các DN cần hết sức cẩn trọng, tỉnh táo để tránh các vụ lừa đảo, nhất là lừa đảo qua thương mại điện tử. Hoạt động lừa đảo này thường gặp phải tại các nước khu vực Tây và Trung Phi như Nigeria, Ghana, Benin, Togo, Cameroon…
Để tránh tình trạng lừa đảo này, theo ông Hòa, DN cẩn phải tìm hiểu thật kỹ về quy định XNK của các nước sở tại; xác minh kỹ đối tác trước khi giao dịch thông qua việc đề nghị cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ XNK; nhờ Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) và các Thương vụ thẩm tra giúp…
Theo Uyển Như
Báo Hải quan (ngày 11/6/2013)