Bộ Tài chính đề xuất xoá nợ tiền thuế, tiền phạt

Bộ Tài chính đề xuất xoá nợ tiền thuế, tiền phạt

Bộ Tài chính vừa đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007 đối với hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp nhà nước đã giải thể; doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa; doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sở hữu theo hình thức giao, bán.


                              Dự thảo này đang được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến nhân dân

Tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007, Bộ Tài chính đề xuất các đối tượng xóa nợ bao gồm: Hộ gia đình, cá nhân; DN Nhà nước đã giải thể (bao gồm cả tiền nợ thuế, tiền phạt của các chi nhánh, cửa hàng của DN); DN Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa, bao gồm cả DN cổ phần hóa từ đơn vị hạch toán phụ thuộc của DN Nhà nước; DN Nhà nước chuyển đổi sở hữu theo hình thức giao, bán; DN Nhà nước đã hoàn thành việc giao, bán và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 của thời kỳ DN Nhà nước do các cơ quan chức năng thực hiện điều tra, thanh tra, kiểm tra, truy thu sau thời gian đã chuyển đổi hoặc do không hạch toán vào báo cáo tài chính, quyết toán thuế khi xác định giá trị doanh nghiệp để giao, bán…

Cụ thể, đối với doanh nghiệp nhà nước đã giải thể thì phải đảm bảo đồng thời các điều kiện: là Doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập; Đã giải thể theo Quyết định giải thể của UBND tỉnh, thành phố hoặc của Bộ chủ quản trước ngày 1/7/2013.  

Đối với doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 mà các khoản tiền thuế, tiền phạt này chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển sang công ty cổ phần thì phải đảm bảo đồng thời các điều kiện: Khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp; Kết quả kinh doanh đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp bị lỗ (đối với trường hợp đề nghị xóa tiền nợ thuế, tiền phạt đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp); Kết quả kinh doanh đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần bị lỗ (đối với trường hợp đề nghị xóa tiền nợ thuế, tiền phạt đến thời điểm chính thức cổ phần hóa); Số tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 được xóa tối đa bằng số lỗ luỹ kế đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Đối với doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 của thời kỳ doanh nghiệp nhà nước do các cơ quan chức năng thực hiện điều tra, thanh tra, kiểm tra, truy thu sau thời gian đã chuyển đổi hoặc do không hạch toán vào báo cáo tài chính, quyết toán thuế khi xác định giá trị doanh nghiệp; các khoản nợ thuế này chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp thì phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: Khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa nợ chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp; số tiền thuế, tiền phạt được xóa là toàn bộ số tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 của thời kỳ Doanh nghiệp nhà nước bị truy thu hoặc không hạch toán vào báo cáo tài chính, quyết toán thuế khi xác định giá trị doanh nghiệp.

Nếu đáp ứng đủ những điều kiện nêu trên thì việc xóa nợ sẽ được áp dụng đối với khoản tiền thuế nợ, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/ 2007 đến nay chưa nộp vào NSNN. Trong đó, tiền thuế được xóa bao gồm: thuế môn bài, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế nhà đất, thuế lợi tức, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, khấu hao cơ bản, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (trừ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xem xét xóa nợ đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp nhà nước đã giải thể theo Quyết định của UBND tỉnh, thành phố. Các trường hợp còn lại Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm xem xét …


                                        Theo Tài Chính Điện Tử (Ngày 04/04/2013)