Việt Nam đang hướng tới mô hình kinh tế thị trường toàn diện

Việt Nam đang hướng tới mô hình kinh tế thị trường toàn diện

Việt Nam đặc trưng bởi sự phát triển kinh tế nhanh chóng song vẫn là một nước mới nổi, đòi hỏi phải tập trung vào cải cách khuôn khổ thể chế sang mô hình của một nền kinh tế thị trường toàn diện để tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đó là nhận định của GS.TS. Raulph Michael Wrobel, Đại học West Saxon, Đức tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Vai trò và chức năng của Nhà nước trong các mô hình kinh tế thị trường: Một số hàm ý về cải cách khung khổ thể chế cho Việt Nam” diễn ra ngày 6/3, tại Hà Nội.

Theo GS.TS. Raulph Michael Wrobel, mô hình nền kinh tế thị trường xã hội dường như là lợi thế nhất cho Việt Nam khi xác định các quy tắc của trò chơi kinh tế trong khi nhà nước cần hạn chế việc tự mình chơi các trò chơi mà nên đóng vai trò là “trọng tài” trong quá trình cạnh tranh.

Quả thật, theo TS. Lê Đăng Doanh, sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chủ yếu dựa vào các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn khó khăn: Lạm phát cao, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kém hiệu quả, nợ xấu và hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều khuyết tật, bong bóng bất động sản đã đưa nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng giảm sút, môi trường bị tàn phá… có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” ngay ở mức thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp như hiện nay. Hơn bao giờ hết, muốn phát triển và tăng trưởng bền vững đòi hỏi Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải cách thể chế sâu rộng. Chính thể chế ở Việt Nam chậm thay đổi đã khiến đây trở thành nút thắt quan trọng, cản trở nền kinh tế triển.

Đặc trưng của mô hình tăng trưởng hiện nay là tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào đầu tư, khai thác tài nguyên theo hướng công nghiệp hóa đối với tất cả 63 tỉnh thành phố mà không tính đến điều kiện cụ thể của từng địa phương, tỉnh nào cũng đẩy mạnh công nghiệp hóa, xây dựng một nền kinh tế có đủ bến cảng, sân bay, khu công nghiệp… Không chỉ có vậy, phân cấp quản lý và quan hệ giữa trung ương – địa phương ở Việt Nam hiện đang có tình trạng thiếu sự phối hợp, thiếu tính thống nhất của một nền kinh tế quốc dân trong một chỉnh thể. Do đó, trong điều kiện chưa thể thay đổi tư duy kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải cách thể chế sâu rộng thì cần tăng cường các liên kết vùng để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải suốt thời gian, đồng thời, tận dụng các sân bay, bến cảng, khu công nghiệp hiện có để kết nối, đưa ra một chuỗi cung ứng dịch vụ đa dạng.  

Một tồn tại nữa, hiện thước đo chủ yếu cho hoạt động của nền kinh tế chủ yếu là chỉ tiêu tăng trưởng GDP, không kèm theo các chỉ tiêu về tăng năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, càng không có chỉ tiêu ràng buộc về bảo vệ môi trường. Cách làm này dẫn đến lãng phí tài nguyên, đầu tư kém hiệu quả. Để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần từ bỏ cách đề ra chỉ tiêu tăng trưởng hiện nay mà chuyển sang một tập hợp các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, trong đó, đề cao các chỉ tiêu về hiệu quả như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên. – TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị.

Điều cần thiết lúc này theo như TS Doanh đề xuất là phải thay đổi tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” vì rõ ràng trên thực tế, điều này đã khổng còn đúng và mâu thuẫn với cam kết cạnh tranh bình đẳng. Trong khi coi kinh tế nhà nước như “quả đấm thép”, là “công cụ ổn định kinh tế vĩ mô” thì thực tế lại cho thấy tình trạng kém hiệu quả, lãng phí, thua lỗ của các tập đoàn kinh tế nhà nước là nguyên nhân dẫn đến đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Theo khuyến cáo của TS Doanh, cần thay đổi chính sách nhằm giảm các lợi ích từ khai thác tài nguyên, đầu cơ bất động sản như thỏa thuận về điều kiện mua lại quyền sử dụng đất, đánh thuế vào đầu cơ bất động sản nhằm hạn chế tối đa hoạt động đầu cơ, nâng giá, khai thác tài nguyên mà không đóng góp tương xứng để bảo vệ môi trường, tái tạo các tiềm năng tăng trưởng cho tương lai. Đồng thời, quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm về chế độ sở hữu, trách nhiệm cá nhân về quyết định đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, đất đai, tài nguyên… cũng như loại bỏ đặc quyền, ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước về đất đai, tài nguyên, nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất, nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước các nguồn thu từ tài nguyên… Thực hiện rộng rãi hình thức hợp tác công – tư trong đầu tư các công trình đầu tư công.

Ông Wrobel cũng khuyến cáo, thị trường của Việt Nam và cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân cần phi cải thiện. Bên cạnh đó, cần xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm, khuyến khích các hoạt động đầu tư vào khoa học – công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Hơn hết, Việt Nam phải cải thiện hệ thống bảo hiểm xã hội cũng như hệ thống giáo dục, nhờ đó, Việt Nam có thể đạt được thứ hạng cao hơn và sớm trở thành một quốc gia công nghiệp.

                                       
                                                                      Theo T. Hương
                                            Báo Tài Chính Điện Tử ( Ngày 06/03/2013
)