Tống thống Mỹ có chuyến thăm lịch sử Myanmar

Tống thống Mỹ có chuyến thăm lịch sử Myanmar

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử thăm Myanmar khi chiếc Air Force o­ne hạ cánh xuống Yangon sáng nay 19-11.


          Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đáp xuống
                                       sân bay Yangon – Ảnh: Reuters


      Một cô gái Myanmar tặng hoa cho thống Mỹ Barack Obama khi
        vừa xuống sân bay quốc tế Yangon sáng 19 -11 – Ảnh: Reuters


              Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton bắt tay
                              các quan chức Myanmar – Ảnh: Reuters

Dù ông chỉ ở đây sáu giờ đồng hồ, chuyến thăm vẫn mang ý nghĩa biểu tượng hết sức quan trọng về cam kết trở lại châu Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

“Chuyến thăm không phải là thể hiện sự tán thành với chính quyền này – Hãng tin AP dẫn lời ông Obama nói ở Thái Lan, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á của ông, tối 18-11 – Đây là sự ghi nhận đã có tiến triển bên trong đất nước mà một năm rưỡi hay hai năm trước không ai đoán trước được”.

Phát biểu từ Thái Lan, ông Obama nói ông không hề có ảo tưởng Myanmar đã làm xong những gì cần làm, nhưng nói Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng để giúp nước này không tụt lại quá khứ. Tuy nhiên, ông Obama cũng không bỏ qua tình hình căng thẳng ở Trung Đông, bất chấp những mối bận tâm ở châu Á. Từ Thái Lan, ông nói với các phóng viên ngày 18-11 rằng Israel có quyền tự vệ chống lại những vụ bắn tên lửa từ Gaza, nhưng cũng hối thúc Israel không tấn công trên bộ vào Gaza.

Sau Myanmar, ông Obama sẽ sang Campuchia trước khi trở về Washington vào sáng sớm 21-11. Tại Myanmar, ông sẽ gặp Tổng thống Thein Sein, người đã chỉ đạo hầu hết các cải cách chính trị ở nước này gần đây. Tổng thống Mỹ cũng sẽ gặp nhà hoạt động dân chủ Aung San Suu Kyi ở ngôi nhà mà bà bị quản thúc nhiều năm.

Từ Mỹ, Nhà Trắng ra một thông cáo nói tổng thống bày tỏ quan ngại về các căng thẳng sắc tộc đang diễn ra ở bang Rakhine (miền tây Myanmar), nơi hơn 110.000 người, hầu hết là những người Hồi giáo Rohingya, đã bị mất nhà cửa. Nhà Trắng nói ông Obama sẽ nêu ra vấn đề này với ông Thein Sein, cùng những đề nghị về việc thả các tù nhân chính trị trong quá trình chuyển đổi dân chủ ở nước này.

Tổng thống Mỹ cũng có bài phát biểu ở Đại học Rangoon, cái nôi phong trào cách mạng Myanmar đòi độc lập từ tay thực dân Anh và cũng là nơi khởi phát các cuộc biểu tình đòi dân chủ. Trường này từng bị chính quyền đóng cửa vào những năm 1990.

Bắt đầu chuyến công du châu Á ở Bangkok, ông Obama đã tới thăm chùa Wat Pho, cùng Bộ trưởng ngoại giao Hillary Clinton thăm tượng Phật và vãn cảnh chùa. Sau đó ông có cuộc gặp nhà vua 84 tuổi đang đau yếu của Thái Lan Bhumibol Adulyadej, vốn sinh tại Mỹ, ở bệnh viện của ông. Nhà vua, nhà quân chủ trị vì lâu nhất còn sống trên toàn thế giới, ra đời ở Cambridge, Massachusetts và học tập ở châu Âu.


                                                                       Theo Hải Minh
                                                        Báo Tuổi Trẻ (ngày 19/11/2012)