
Thận trọng trong điều chỉnh giá hàng hóa tháng 10
- Tin tổng hợp
- Tháng Mười 2, 2012
- 89
Lạm phát tháng 9 đã tăng vọt lên 2,2% so với tháng 8 là mức tăng cao nhất trong 16 tháng qua và nằm ngoài quy luật của những năm gần đây, yêu cầu cần có bước đi thận trọng trong điều chỉnh giá hàng hóa trong tháng 10.
Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng đây là một mức tăng bất thường và bày tỏ sự quan ngại về xu hướng lạm phát tăng cao trong thời gian tới. Chỉ số lạm phát các năm cho thấy, quy luật lạm phát là “2 tăng, 1 giảm”. Chẳng hạn, năm 2007, 2008, lạm phát tăng đến 2 chữ số. Năm 2009, lạm phát thấp xuống. Năm 2010, 2011 lặp lại mức tăng xấp xỉ 20%. Năm nay, dự đoán cả năm thì lạm phát đang xuống thấp. Tuy nhiên, các chính sách tiền tệ đang nới lỏng có thể tác động làm cho lạm phát cao trở lại.
Có thể thấy, CPI tăng chủ yếu do các nhóm hàng giáo dục, dược phẩm y tế, xăng dầu và chi phí giao thông. Riêng chi phí giáo dục và dược phẩm y tế với mức tăng lần lượt là 10,54% và 17,02% đã góp phần làm lạm phát tăng 1,54%. Giá xăng dầu tăng cũng đã làm cho giá giao thông tăng tương ứng 3,83%.
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu loại trừ yếu tố thời vụ như: điều chỉnh lại phí giáo dục và giá dược phẩm, y tế… CPI tháng 9 là 1,05% và CPI lõi sau khi điều chỉnh yếu tố thời vụ là 0,70%. Như vậy mức tăng mạnh của CPI trong tháng 9 tuy ở mức cao nhưng về bản chất là một hiện tượng rất bình thường nằm trong xu hướng tăng chung của lạm phát. CPI tháng 9 tăng cao không phải do tác động của chính sách vĩ mô song mức biến động mạnh này rất dễ gây tâm lý tiêu cực, có thể tác động đến hành vi của người tiêu dùng cũng như giới kinh doanh. Trong điều kiện “lạm phát kỳ vọng” của Việt Nam vẫn rất lớn, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ cơ bản theo giá thị trường cần được tính toán lựa chọn cả về thời điểm và mức điều chỉnh.
Những tháng cuối năm, theo quy luật giá hàng hóa thường có xu hướng tăng. Cùng với đó, giá lương thực trên thế giới được dự báo tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến giá nhóm hàng lương thực trong nước. Ngoài ra do tác động của yếu tố dịch bệnh và chi phí chăn nuôi cao như tác động của giá thức ăn gia súc, lãi suất cao… đã ảnh hưởng khá nhiều đến sản xuất chăn nuôi. Đây là những nhân tố gây tác động đến CPI cần được nghiên cứu và có giải pháp khắc phục và hạn chế.
Trong khi đó, mặc dù, Quyết định 24 cho phép giá điện có thể được điều chỉnh 3 tháng một lần trong trường hợp cho phép, song do chưa hoàn tất kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN nên chưa cho phép EVN tăng giá bán điện trong tháng 10. Tuy vậy, nhu cầu điều chỉnh giá điện vẫn rất lớn, đặc biệt khi từ 15/9, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam TKV đã tăng giá bán than cho điện 28-40%. Cùng với đó, giá xăng dầu vẫn rất khó dự báo khi thị trường dầu thô trên thế giới vẫn chịu tác động bởi nhiều nhân tố bất định.
Tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và đặc biệt ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát theo hướng chủ động tức là thực thi chính sách “lạm phát mục tiêu”. UBGSTCQG cho rằng cần tính toán và có những bước đi thận trọng trong việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, trước mắt tạm thời chưa điều chỉnh thêm giá trong tháng 10 để củng cố tâm lý thị trường.
Theo T.Hương
Tài chính điện tử (ngày 2/10/2012)