
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần chất lượng cao hơn
- Cầu nối
- Tháng Chín 15, 2012
- 96
Tính từ năm 2001-2009, cả nước có 8.476 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 124,4 tỷ USD.
Tại Hội thảo ” Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế ” do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam đồng tổ chức ngày 21/5, tại Hà Nội, đại diện EuroCham ( Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam) cho rằng, với sự ổn định chính trị cao so với các nước trong khu vực, Việt Nam được các nhà đầu tư tin tưởng và các luồng vốn đang chuyển dịch vào Việt Nam nhiều hơn.
Mặc dù vậy, đại diện Cục ĐTNN- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thẳng thắn thừa nhận: Dù ĐTNN đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đất nước, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Không kể đến ý nghĩa gián tiếp (như tạo công ăn việc làm…) thì mức đóng góp lượng hóa là khoảng hơn 10 tỷ USD vào ngân sách thật sự chưa tương xứng với số vốn đầu tư.
Một số DN ĐTNN gây ô nhiễm môi trường, hoặc nhập khẩu những công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, không có sự chuyển giao công nghệ nguồn cho Việt Nam.
Ngược lại những dự án công nghiệp phụ trợ, khu công nghệ cao lại thu được những kết quả khiêm tốn. Nhiều khu công nghiệp còn chưa lấp đầy, Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chỉ ở dạng ”tiềm năng”. Những mặt hàng xuất khẩu ở nước ta chủ yếu vẫn là gia công, giá trị gia tăng rất thấp.
Với những dẫn chứng cụ thể, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN Việt Nam cho biết: hiện tại có quá nhiều dự án xi măng quy mô lớn ở các địa phương, trong vài năm nữa sản lượng xi măng sẽ dư thừa so với nhu cầu trong nước 20%-30%, trong khi cạnh tranh thị trường xi măng quốc tế rất khó khăn. Nhiều dự án sắt thép, đặc biệt là các dự án bất động sản, vốn đăng ký quy mô hàng tỷ USD, nhưng mới chỉ đưa vào Việt Nam khoảng 10%, còn lại vay ngân hàng trong nước, huy động vốn theo phương thức ”bán lúa non”…
Có nhiều nguyên nhân của sự hạn chế đó, trong đó có việc nhiều địa phương nóng vội trong thu hút ĐTNN, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến vấn đề chiến lược, thu hút đầu tư một số nơi còn chạy theo số lượng mà thiếu quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng đến các cân đối tổng thể của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, vai trò điều phối, kiểm soát, hướng dẫn trên toàn quốc của các Bộ, ngành chức năng còn những hạn chế nhất định, thiếu các quy hoạch hoặc quy hoạch không cụ thể, chưa kết hợp hài hòa giữa lợi ích của địa phương với lợi ích tổng thể của quốc gia.