Đặt niềm tin vào sự kiên nhẫn

Đặt niềm tin vào sự kiên nhẫn

Những tháng cuối của năm 2012, nhiều tín hiệu tích cực phát đi từ hệ thống ngân hàng trong duy trì mức lãi suất tối đa không quá 15%/năm, hàng nghìn doanh nghiệp phục hồi và lên kế hoạch kinh doanh năm 2013… cho thấy thị trường vốn đã từng bước ổn định, vững chắc.



Sự kiên trì trong thực thi chính sách điều hành lãi suất, tiền tệ theo hướng ổn định vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng từ đầu năm đến nay đã được đền đáp khi thị trường vốn đang tăng lên theo thời gian cũng như đánh giá tích cực từ nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế.

Phản ứng tích cực của thị trường

Theo Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Sanjay Kalra, uy tín của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với thị trường đã tăng lên thể hiện qua kết quả điều hành chính sách tiền tệ đã theo rất sát các diễn biến kinh tế vĩ mô và trên cơ sở đó đã đưa ra các biện pháp chính sách phù hợp.

Ông Alfred Schipke, Trưởng đoàn Tham vấn Điều IV Điều lệ Quỹ của IMF, phụ trách Việt Nam nhận định, một năm trước đây, lạm phát ở Việt Nam tương đối cao và cán cân vãng lai ở vị thế yếu. Như vậy, các chính sách mà Chính phủ Việt Nam và NHNN thực hiện trong một năm qua đã phát huy kết quả tích cực. Điều này cho thấy, các nguy cơ bị tổn thương của nền kinh tế Việt Nam đã giảm đi so với một năm trước đây, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tiềm ẩn các cú sốc tiêu cực từ bên ngoài.

Điểm đáng chú ý là sự kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, giảm lạm phát trong định hướng điều hành của NHNN đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia tài chính quốc tế cho dù điều này khiến quá trình phục hồi của doanh nghiệp trong nước chậm hơn.

Theo ngân hàng HSBC mặc dù lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm, NHNN vẫn chưa muốn bơm mạnh dòng tiền giá rẻ vào nền kinh tế vì muốn ưu tiên mục tiêu ổn định. Và sự kiên nhẫn là cần thiết để vượt qua sự suy yếu nhu cầu tại thị trường cả trong và ngoài nước.

Đồng tình với quan điểm này, ông Sanjay Kalra ủng hộ mục tiêu mà NHNN đặt ra trong năm 2012 là giữ lạm phát ở mức một con số, duy trì ổn định tỷ giá, cố gắng đảm bảo đồng tiền không mất giá quá 3%.

Bên cạnh đó, “Chính phủ cần phải triển khai các cải cách kinh tế cần thiết khác trong khu vực ngân hàng, khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, bởi vấn đề hiện nay không phải là chính sách kinh tế vĩ mô mà là các vấn đề mang tính cơ cấu”, ông Sanjay Kalra khuyến nghị.

Trên thực tế, sự kiên nhẫn của NHNN đã giúp thị trường vốn ổn định, đưa luồng vốn lành mạnh vào thị trường giúp hàng nghìn doanh nghiệp phục hồi hoạt động cũng như 46.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8/2012 so với trên 35.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động.

Mặc dù vẫn còn những doanh nghiệp than phiền chưa tiếp cận được vốn hay mong muốn lãi suất cho vay hạ nữa, nhưng thực tế cho thấy, thị trường đã có những chuyển động rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã thoát khỏi tình trạng thua lỗ, giảm được hàng tồn kho và lên kế hoạch kinh doanh mới…

Doanh nghiệp bắt đầu “hồi sinh”

Ông Đặng Minh Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, cũng cho biết Công ty ông cũng đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, giúp DN có thêm dư địa để giảm giá thành sản phẩm và hạch toán vào lợi nhuận cuối năm.

Một lãnh đạo của Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái, chuyên về bán lẻ, chia sẻ, trước đây, công ty vay của ngân hàng với lãi suất khoảng 21 – 22%/năm, mức lãi suất gần như san bằng những kết quả kinh doanh. Nhưng hiện nay, lãi suất đã giảm xuống dưới 15%/năm, nên hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như doanh thu tăng rõ rệt. “Lợi nhuận trung bình từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn khoảng 25%, nếu lãi suất tiếp tục được giữ ở mức hợp lý từ 12 – 15%/năm, trong năm tới, Phú Thái dự kiến sẽ phát triển mạnh hơn so với năm nay”, vị lãnh đạo này ước tính.

Để có được những kết quả như vậy là nỗ lực không nhỏ của hệ thống ngân hàng. Ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết lãi suất hiện đã được các ngân hàng đưa về khoảng 11 – 12%/năm là phù hợp với tình hình hiện nay và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp nói lãi suất còn rất cao, cần phải giảm xuống nữa. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người gửi tiền cũng như cân đối với các chỉ số kinh tế khác.

Bên cạnh đó, NHNN đã hết sức linh hoạt khi cho phép 10 ngân hàng được nới “room” tín dụng lên mức 25 – 30% nhằm đẩy nhanh hơn việc đưa vốn đến những khách hàng tốt trong bối cảnh tín dụng tăng thấp.

Tuy nhiên, dù nhận được những phản ứng tích cực từ cả ngân hàng và doanh nghiệp về hạ lãi suất hay tăng “room” tín dụng song với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục kiên trì chính sách điều hành tiền tệ, tín dụng đã đặt ra từ đầu năm, với sự đồng tình từ chính các ngân hàng khi không hạ chuẩn tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.

Ủng hộ quan điểm này, ông Alfred Schipke cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô giúp khôi phục lòng tin của thị trường, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tư nhân, cả trong nước và nước ngoài, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong tương lai.


                                                                             Theo Chinhphu.vn