
Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định
- Tin tổng hợp
- Tháng Năm 13, 2012
- 64
Tuy là nước dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng, trong khi kinh tế thế giới, đặc biệt là khu vực Eurozone đang khó khăn, ảnh hưởng lớn tới thị trường nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Đó là ý kiến của TS. Shuvojit Banerjee, Cán bộ Kinh tế, Ủy ban Kinh tế – Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Liên Hợp Quốc (UN ESCAP) tại cuộc Họp báo Công bố kết quả điều tra năm 2012 tổ chức ngày 9/5, tại Hà Nội.
Theo Báo cáo Điều tra Kinh tế – Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc, năm 2012, khu vực sẽ tiếp tục phải đối mặt với một môi trường đầy thách thức từ bên ngoài, mặc dù tăng trưởng chậm lại song theo TS. Noeleen Heyzer, Phó Tổng Thư ký LHQ, Giám đốc Điều hành ESCAP: Tình hình tại Châu Á – TBD vẫn tốt hơn nhiều so với bất cứ khu vực nào khác trên thế giới, từ đó, khu vực này, trong đó có Việt Nam, vẫn tiếp tục giữ vai trò trụ cột, mỏ neo giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế thế giới.
TS. Shuvojit Banerjee, Cán bộ Kinh tế, UN ESCAP, BangKok đưa ra dự báo: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,8% và lạm phát sẽ giảm xuống mức một con số vào cuối năm 2012. Chính phủ sẽ tiếp tục tái cơ cấu quyết liệt, hệ thống ngân hàng, đầu tư công, đẩy mạnh các giải pháp an sinh xã hội với người nghèo.
Việt Nam thuộc nhóm các nước “đang cố gắng theo kịp” tăng trưởng nhờ công nghiệp hóa và chuyển đổi cơ cấu. Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách thu nhập với các quốc gia có thu nhập cao và tăng được năng lực sản xuất.
Tuy nhiên, một thách thức mà Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác trong khu vực phải đối mặt là nguy cơ giá lương thực cao sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến nhóm người dễ bị tổn thương, làm tăng nghèo đói, từ đó dẫn tới những tác động về nghèo đói và tác động xã hội nghiêm trọng.
Theo khuyến cáo của ESCAP, cách tốt nhất để giảm giá lương thực một cách lâu dài là tăng năng suất nông nghiệp. Để làm được điều này, Việt Nam cần tiếp tục tập trung mở rộng các cơ hội việc làm phi nông nghiệp, trong đó có việc làm trong các chuỗi giá trị nông nghiệp như: chế biến, vận tải, phân phối… nhằm mở rộng thị trường trong nước cho các sản phẩm nông nghiệp và khuyến khích tăng năng suất nông nghiệp.
Cùng với những tiến bộ đạt được trong việc chuyển đổi cơ cấu, Việt Nam cũng cần tiếp tục hỗ trợ phát triển nông thôn và một “cuộc cách mạng xanh” mới sử dụng nhiều tri thức, dựa trên công nghệ mới và các loại giống mới, trợ giá cho các nguồn cung ứng đầu vào như phân bón và cung cấp tín dụng cho nông dân.
Song song với việc góp phần tái cân bằng các nền kinh tế và làm cho tăng trưởng phục vụ tất cả các đối tượng nhiều hơn, một cuộc cách mạng xanh lần thứ 2 dựa trên nông nghiệp bền vững sẽ là yếu tố quan trọng giúp quản lý giá lương thực trong khu vực.
Bên cạnh đó, những thay đổi về giá cả đã làm giảm yếu tố khích lệ đa dạng hóa sản xuất hướng tới các sản phẩm phức hợp hơn – một động thái đã đưa Việt Nam vào con đường hướng tới theo kịp các nền kinh tế phát triển.
Đại diện UN cũng bày tỏ sự tin tưởng: Tuy là nước dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng, trong khi kinh tế thế giới, đặc biệt là khu vực Eurozone đang khó khăn, ảnh hưởng lớn tới thị trường nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Một trong những lý do là những chính sách của Chính phủ đang phát huy tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất, tạo dựng tính cân bằng hơn cho kinh tế vĩ mô. Việc kiềm chế lạm phát thành công sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tập trung thúc đẩy trở lại tăng trưởng kinh tế.
Khủng hoảng một số khu vực kinh tế trên thế giới, đặc biệt là khu vực Eurozone sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu ở các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, khi đó dòng tài chính sẽ có xu hướng dịch chuyển sang những nền kinh tế phát triển năng động, trong đó có Việt Nam. Điều này cũng tạo nên áp lực tài chính, phức tạp trong kiểm soát lạm phát, hối đoái… nhưng cũng có tác dụng nhất định, tạo điều kiện tăng trưởng tốt hơn nếu Việt Nam có một nền tài chính đủ mạnh để quản lý tốt dòng vốn.
Theo Tài chính điện tử