
Tiêu thụ nông sản: Không thể “đứng bằng một chân”
- Tin thương mại
- Tháng Tư 12, 2012
- 83
Không chỉ xuất khẩu tốt, DN cần chủ động xây dựng hệ thống phân phối trong thị trường nội địa. Có như vậy, DN mới có thể đứng vững và phát huy được hết thế mạnh của mình. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương – Hồ Thị Kim Thoa khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả của mô hình liên kết và tiêu thụ nông sản?
Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và hỗ trợ vật tư nông nghiệp đã khắc phục được điểm yếu của Quyết định 80/2002/QĐ-CP của Chính phủ. Qua triển khai cho thấy, 2 mô hình thí điểm là liên kết nông dân- HTX- DN và nông dân- hộ kinh doanh- DN đã đem lại hiệu quả cao. Bà con nông dân được DN ứng trước giống, phân bón, thuốc trừ sâu và ký kết hợp đồng thu mua 100% sản phẩm đạt chuẩn chất lượng nên đã yên tâm sản xuất, tích cực mở rộng diện tích gieo trồng. Bên cạnh đó, bà con còn được đào tạo kiến thức về kỹ thuật thâm canh, kiến thức về pháp luật trong triển khai hợp đồng, được hỗ trợ về kỹ thuật tại ruộng… nên sản phẩm đạt chất lượng đảm bảo, giá bán ổn định, hiệu quả kinh tế gia tăng.
Đối với DN chế biến, thực hiện mô hình này đã kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), xuất xứ nguồn sản phẩm nguyên liệu đưa vào chế biến. Còn các hộ kinh doanh trung gian sẽ nâng cao được trách nhiệm, uy tín và duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả. Ngoài hiệu quả kinh tế còn mang lại hiệu quả về xã hội, tạo công ăn, việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả này thì cũng nổi lên một số bất cập, mặc dù DN có đầu tư vùng nguyên liệu nhưng cam kết của người nông dân chưa được như mong muốn. Nhiều địa phương xuất hiện tình trạng DN không đầu tư nhưng vẫn tranh mua, tranh bán với DN đã bỏ tiền đầu tư hoặc người nông dân vẫn cố tình phá vỡ hợp đồng.
Có một thực tế, nhiều DN chế biến hàng xuất khẩu thành công ở nhiều thị trường khó tính trên thế giới nhưng lại ngại xây dựng mạng lưới tiêu thụ trên thị trường nội địa. Theo Thứ trưởng đâu nguyên nhân của thực trạng này?
Không chỉ riêng nông sản mà nhiều mặt hàng khác xuất khẩu rất tốt nhưng sản phẩm lại không có trong hệ thống phân phối và thương hiệu cũng không được biết đến ở thị trường trong nước. Theo tôi, có nhiều lý do. Khi làm hàng xuất khẩu, các DN đặt hàng đã có sẵn thương hiệu và đưa ra các quy định về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật ATVSTP rất cụ thể. DN sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trong nước cứ theo các tiêu chuẩn đó mà làm, không cần nghiên cứu về thị trường và mẫu mã sản phẩm. Trong khi đó, muốn tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa thì DN phải có thương hiệu cụ thể, muốn đưa hàng vào hệ thống phân phối phải xây dựng hệ thống bán hàng. Bên cạnh đó, DN cũng phải bỏ chi phí để tìm hiểu thị hiếu, tiếp thị người tiêu dùng trong nước biết và sử dụng sản phẩm của mình… Đặc biệt, lý do khiến các DN không mặn mà với thị trường nội địa là do các đơn hàng trong nước nhỏ lẻ, thu tiền chậm, trong khi các đơn hàng xuất khẩu thường lớn, thanh toán cũng rất nhanh, chủ yếu thông qua mở L/C, thậm chí còn thanh toán trước khi nhận hàng…
Như vậy, DN đang tự làm mất chỗ đứng ngay trên sân nhà?
Thị trường nội địa là thị trường tiềm năng, điều này đã được chứng minh trong nhiều năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng luôn chiếm trên 20%, năm 2011 là 24,3%. Vì vậy, nếu DN chỉ chờ vào thị trường xuất khẩu, không phát triển thị trường nội địa thì đến lúc gặp khó khăn trong xuất khẩu, DN sẽ không có chỗ đứng trên sân nhà. Trong khi đó, DN nước ngoài vào chiếm lĩnh mảng thị trường rộng lớn này.
Thực tế hiện nay, trong nước có rất nhiều DN làm xuất khẩu tốt nhưng khi quay về thị trường nội địa cũng rất thành công như: Việt Tiến, May Nhà Bè, May 10, Biti’s, Vinamilk… Tôi cho rằng, thị trường nội địa rất tiềm năng, các DN nên có chiến lược phát triển. Nếu DN chỉ “đứng bằng một chân” thì phát triển sẽ không bền vững.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương có chính sách gì để khuyến khích DN sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản đưa hàng vào hệ thống phân phối trong nước?
Đối với vấn đề liên kết, tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, sau khi Bộ Công Thương cùng 12 địa phương có dự án thí điểm tổng kết sẽ có những đánh giá cụ thể. Từ đó, khắc phục những hạn chế và xem xét trình Chính phủ cho tiếp tục nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, các DN cần chủ động triển khai mô hình này, để đem lại hiệu quả thiết thực cho DN.
Đối với vấn đề đưa hàng vào hệ thống phân phối, đặc biệt là hệ thống bán lẻ siêu thị là việc làm cần thiết. Bộ Công Thương đã tổ chức các cuộc làm việc giữa các nhà phân phối như: Happro, Sài Gòn Co.op; Vinatexmart, các DN, hiệp hội, tìm hiểu nhu cầu, tháo gỡ khó khăn, đưa nông sản vào hệ thống phân phối có hiệu quả. Bộ cũng sẽ có kiến nghị về chính sách ưu đãi, cơ chế cho vay đối với các DN chế biến để đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường.
Theo Thuongmai.vn