Đường thừa, mía thiếu nơi… tiêu thụ

Đường thừa, mía thiếu nơi… tiêu thụ

Đó là thực trạng của ngành mía đường năm 2012 khi hàng loạt các nhà máy không có tiền để mua nguyên liệu, đường trong kho thì đang dư thừa và nông dân thì chưa biết bán mía cho ai.


                             Mía của nông dân đang hạ giá cùng giá đường…

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, sản lượng các nhà máy năm 2012 đạt 1.450.000 tấn, cộng với lượng đường nhập khẩu, đường tồn… dự báo việc dư thừa đường sẽ rất lớn, khoảng 500.000 tấn. Đây là con số khủng, trực tiếp đe dọa giá đường, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và thu nhập của nông dân.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Nguyễn Thành Long:  Khi Việt Nam chỉ cần thiếu, thừa 50.000 tấn đường thì sẽ gây áp lực cho vùng nguyên liệu cũng như giá cả trên thị trường do nước ta chưa có quỹ bình ổn cho ngành đường. Nếu sản lượng các nhà máy đạt 1.450.000 tấn đường, cộng thêm 70.000 tấn đường nhập theo WTO;  100.000 tấn đường chuyển vụ còn thừa thì Việt Nam có khoảng 1.620.000 tấn đường.

Đó là nguồn cung, trong khi theo Bộ Công Thương, hàng năm nhu cầu sử dụng đường trong nước khoảng từ 1.300.000 tấn – 1.400.000 tấn đường (gồm đường cho công nghiệp, đường sản xuất bánh kẹo, đường dùng cho sinh hoạt…). Như vậy, về cơ bản ngành mía đường Việt Nam đã đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng đường trong nước. Nhưng nếu tính lượng tồn kho và nhập theo WTO thì sẽ thừa…

Trước đó ngày 20/2, ông Nguyễn Thành Long đã “thảng thốt” trước báo chí, nhiều nhà máy đường đang trong tình trạng thiếu vốn để mua mía nguyên liệu do hết hạn mức vay từ ngân hàng trong khi đường sản xuất ra không bán được.  Với chính sách mới về tăng trưởng tín dụng, các doanh nghiệp mía đường khó huy động đủ vốn để trả cho người dân trồng mía.

Giải pháp duy nhất với doanh nghiệp lúc này là hạ giá bán đường. Hiện giá đường bán tại kho nhà máy giảm dưới 16.000 đồng/kg (đã bao gồm thuế). Theo ông Long, với mức giá mía mua vào hiện tại (1,2 triệu đồng/tấn tại nhà máy) thì giá thành sản xuất đường hiện nay là 16.000 đồng/kg, đồng nghĩa với các nhà máy đang phải bán lỗ để thu hồi vốn.

Trước khó khăn của các nhà máy, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương được xuất khẩu 250.000 tấn đường nhưng Bộ Nông nghiệp chỉ đồng ý xuất khẩu từ 100.000 – 150.000 tấn trong khi Bộ Công thương chưa có ý kiến. Tình trạng được mùa rớt giá, đó không chỉ là thực trạng của nông dân trồng mía mà của tất cả các ngành sản xuất khác như điều, đay, bông, cafe…nhưng Việt Nam chưa có biện pháp tháo gỡ.

                                                                        Theo Tài chính điện tử