Kỳ vọng xuất khẩu năm 2012

Kỳ vọng xuất khẩu năm 2012

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, nếu các doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội thì mục tiêu xuất khẩu năm 2012 tăng trưởng 13%, kim ngạch khoảng 108,8 tỷ USD là có thể đạt được.


        Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2012 dự kiến sẽ tăng 9,7% so với năm 2011

Theo các chuyên gia, nhóm hàng nông, thủy sản là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp. Do đó, thời gian tới các doanh nghiệp cần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị và kim ngạch xuât khẩu.

Theo dự  báo của Bộ Công Thương, dự kiến kim ngạch xuất  khẩu của nhóm này sẽ đạt 20,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với 2011 và chiếm tỷ trọng khoảng 18,6% kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn đối với nhóm hàng này là giá xuất khẩu khó có thể  tăng cao được nữa do năm 2011 giá đã ở mức cao, đồng thời lượng xuất khẩu cũng sẽ không thể  tăng cao do hạn chế về diện tích canh tác và sản lượng.

Đáng chú ý, mặt hàng gạo dự kiến xuất khẩu 7 triệu tấn, đạt 3,5 tỷ USD, tuy không giảm về lượng nhưng dự báo sẽ giảm về trị giá khoảng 3,9%.

Mặt hàng cà phê dự kiến xuất khẩu 2,6 tỷ USD, khối lượng xuất khẩu sẽ tăng 1,7%, giá trị sẽ tăng 5,2%.

Mặt hàng thủy sản sẽ vẫn gặp khó khăn do các nước đặt ra hàng rào kỹ thuật mới, các tiêu chuẩn mới, kiểm dịch chặt chẽ hơn, nhưng những thị trường truyền thống  vẫn được duy trì nên dự kiến kim ngạch sẽ tăng khoảng 9,7% so với 2011 và đạt 6,7 tỷ USD.

Đối với nhóm khoáng sản, dự kiến năm 2012 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 12 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2011. Đây là nhóm có lợi thế về tài nguyên nhưng bị giới hạn về nguồn cung. Việc giảm dần khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến sẽ giúp tăng giá trị xuất khẩu.

Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 67,5 tỷ USD tăng 17,9% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 62,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với tốc  độ tăng trưởng 19%, hàng dệt may sẽ đạt kim ngạch khoảng 16,5 tỷ USD và đây sẽ là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất.

Mặt hàng giầy dép cũng có nhiều khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu với mức tăng 11,9% đạt 7,3 tỷ USD, mặt hàng điện thoại di động dự kiến tăng 60% đạt 12 tỷ USD, hàng điện tử, linh kiện máy tính dự kiến cũng sẽ đạt kim ngạch 5 tỷ USD.

Ngoài các mặt hàng trên, một số mặt hàng túi xách, va ly, ô dù sản phẩm chất dẻo đều là những mặt hàng dự kiến tăng khá trong năm 2012.

Trong đó, đáng chú ý là mặt hàng túi xách. Theo Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng túi xách của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 40-50% trong năm 2012 nhờ lượng đơn hàng gia công chuyển từ Trung Quốc sang, nhiều thương hiệu túi xách nổi tiếng cũng đã bắt đầu chuyển hướng chọn Việt Nam gia công.

Tận dụng tối đa lợi thế từ FTA

Theo Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Phan Văn Chinh, có nhiều giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, song điều hết sức quan trọng là các doanh nghiệp nên tập trung tận dụng tối đa lợi thế  từ các hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết.

Hiện Việt Nam đã ký kết 9 FTA với các nước trong khu vực và ASEAN, theo đó  trong năm 2012,  trên 90 dòng thuế các loại sẽ có thuế suất còn 0-5% và đây là một  điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới, ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phan Văn Chinh, các đối tác mà Việt Nam đã ký FTA đều là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Nhóm 9 thị trường này hiện có tổng nhu cầu nhập khẩu hàng năm 3,3 nghìn tỷ USD, chiếm 25% tổng nhu cầu nhập khẩu của thế giới. Năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này đạt 44 tỷ USD và dư địa cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang khu vực này còn rất lớn. 

Ngoài ra ông Chinh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào hệ thống xuất xứ điện tử (eCoSys.). Đây là một trong những dịch vụ công đầu tiên trong lĩnh vực thương mại được Bộ Công Thương cung cấp trực tuyến qua mạng Internet. Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị nâng cấp giai đoạn hai để giúp doanh nghiệp khai báo và trao đổi giữ liệu với các nước có quan hệ để chứng nhận xuất xứ. Đây là một trong những biện pháp  quan trọng các doanh nghiệp cần quan tâm bởi eCoSys giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cũng như giảm bớt các thủ tục không cần thiết để có chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu.

                                                                             Theo Chinhphu.vn