Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Đức

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Đức

Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để đẩy mạnh lượng hàng xuất khẩu vào Đức –  thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam.


 Sản phẩm ghế xếp bằng gỗ cao su xuất khẩu sang Đức của một doanh nghiệp
                                        tại Thành phố Hồ Chí Minh

Hội nghị “CHLB Đức – Cửa ngõ cho các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường châu Âu qua trung tâm hàng Việt tại Berlin” giúp doanh nghiệp thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường sang Đức và châu Âu do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cùng các sở, ngành và Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) tổ chức ngày 27/12.

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, nhận xét trước nay chúng ta chú trọng tuyên truyền người Việt ưu tiên dùng hàng Việt mà chưa quan tâm đưa hàng Việt ra nước ngoài. Do đó, việc đưa vào hoạt động trung tâm hàng Việt tại Berlin (VietHaus) được xem là bước đột phá của doanh nghiệp trong nước. Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng đề án các trung tâm thương mại ở nước ngoài.

 Theo ông Thomas Hundt, Trưởng Tổ chức Thương mại và Đầu tư Đức tại Việt Nam, hiện Đức là nước nhập khẩu hàng hóa nhiều thứ 2 thế giới. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, phương tiện vận chuyển, hóa chất, thuốc lá, lương thực, đồ uống, kim loại và các sản phẩm dầu mỏ… Đây cũng là thị trường đầy tiềm năng đối với những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy hải sản.

Trong các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Đức, 18 mặt hàng đạt từ 10 triệu USD trở lên, 11 mặt hàng đạt từ 50 triệu USD trở lên. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào Đức gồm giày dép, dệt may, cà phê, sản phẩm gỗ, thủy hải sản, ba lô, cặp, túi, ví, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, hàng thêu. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng gia công, hàng nông sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào Đức còn quá nhỏ so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, liên tục từ năm 2007 đến nay, Đức trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Gần đây, Đức cũng nhiều lần cam kết ủng hộ việc chấm dứt hoàn toàn việc áp thuế chống bán phá giá giày da Việt Nam. Ngoài ra, Đức đặc biệt quan tâm việc sớm khởi động đàm phán thỏa thuận mậu dịch tự do Việt Nam – EU. Những yếu tố thuận lợi này đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào Đức.

Tuy nhiên, do mức sống của người dân nước này rất cao nên nhu cầu sử dụng hàng hóa tương đối khó tính.

Để tăng lượng hàng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Đỗ Thắng Hải lưu ý, người dân Đức không quá đòi hỏi yêu cầu về kiểu cách, quan trọng là chất lượng thành phẩm và sự kỳ công của nhà sản xuất nhằm tạo sự khác biệt của sản phẩm. Về vấn đề này, các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế do thiếu thông tin từ thị trường, mức thuế của từng nhóm hàng. Ngoài ra, hàng Việt Nam cũng đang đứng trước sự cạnh tranh rất lớn so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực…

Theo khuyến cáo của ông Thomas Hundt, doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng vào Đức, buộc phải tuân thủ quy chuẩn của cả EU và của Đức. Tuy nhiên, so với luật chung của EU thì luật của Đức nghiêm ngặt hơn. Trong đó, cần chú trọng đến 3 tiêu chuẩn: chất  lượng, vệ sinh sản phẩm và trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, khi sử dụng nguyên phụ liệu, doanh nghiệp nên tránh các chất gây cháy như PPF hoặc nguyên liệu có tính chất tẩy trùng, bởi với các chất không đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng thì hải quan Đức sẽ tiêu hủy và chi phí tiêu hủy do phía Việt Nam chi trả.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đức tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm, từ mức 1,1 tỉ USD năm 2000 tăng lên 4,1 tỉ USD trong năm 2010. Sáu tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt 7,4 tỉ USD, chiếm 17,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 49,1% so với 6 tháng năm 2010. 


                                                                           Theo Chinhphu.vn