
“Ba trong một” để mạnh lên
- Tin tổng hợp
- Tháng Mười Hai 7, 2011
- 80
Cuộc hợp nhất giữa các Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (VNTN Bank), Ngân hàng Đệ Nhất (Ficom Bank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) , theo một số chuyên gia, đạt 3 yếu tố thành công: thời điểm sáp nhập hợp lý, cách làm tốt , khiến chỉ số tác động niềm tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng ngày càng cao.
Lễ ký Thỏa thuận hợp tác Chiến lược, toàn diện giữa Ficombank,
TinNghiaBank và SCB
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đóng vai trò đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại ngân hàng mới để tham gia hỗ trợ toàn diện mọi hoạt động sau khi hợp nhất.
Thời điểm thích hợp
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, đơn vị hợp tác chiến lược với 3 ngân hàng trên, nói: “Chúng tôi đảm bảo với sự ký kết hợp tác chiến lược hôm nay, cả 3 ngân hàng và ngân hàng mới sau hợp nhất sẽ có thừa năng lực về thanh khoản. BIDV cũng sẽ hợp tác với ngân hàng sau hợp nhất cả về nguồn vốn, lực lượng cán bộ và tham gia hỗ trợ hoạt động quản trị, kinh doanh để ngân hàng sau hợp nhất trở thành 1 ngân hàng vững mạnh”.
Cũng theo ông Hà, việc hợp nhất 3 ngân hàng trên tinh thần tự nguyện do đó BIDV chưa đặt vấn đề tham gia vào 3 ngân hàng dưới dạng sở hữu hay góp cổ phần.
Như vậy, sau thời gian gặp khó khăn về thanh khoản và đã được NHNN hỗ trợ, đến thời điểm này, 3 ngân hàng trên tự nguyện hợp nhất nhằm tăng tính thanh khoản, tiết giảm chi phí vận hành, tăng khả năng quản trị, đồng thời tăng tính tự chủ để tạo điều kiện hoạt động mạnh hơn.
Phát biểu tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ sáng 6/12, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: NHNN sẽ xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm. Sắp tới, các bên liên quan sẽ tiến hành đánh giá lại hoạt động của cả 3 ngân hàng, đánh giá các khoản nợ, vốn, tài sản còn lại của các ngân hàng. Và sau khi có đánh giá chính thức của kiểm toán, NHNN sẽ cân nhắc tỷ lệ tham gia vốn Nhà nước trong ngân hàng này.
Đánh giá về việc hợp nhất 3 ngân hàng, TS Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: có 3 thành công mà NHNN đã đạt được. Thời điểm sáp nhập hoàn toàn hợp lý, cách làm hoàn toàn tốt, và cuối cùng là khiến cho chỉ số tác động niềm tin của khách hàng vào hệ thống NHTM ngày càng cao.
Việc hợp nhất này không hề vội vã, thời cơ và thời điểm chín muồi. Thông điệp về việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng từng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh rất kỹ từ trước đó. Việc hợp nhất của các ngân hàng cần được ủng hộ.
Giữ ổn định tâm lý khách hàng
Một điều khác cần nói rõ, đó là cả 3 ngân hàng trên, trước khi hợp nhất, đều rơi vào tình trạng mất thanh khoản tạm thời. Sự tự nguyện hợp nhất với sự hỗ trợ thanh khoản của BIDV đã khiến điều lo ngại nhất, đó là khách hàng hoang mang, rút tiền hàng loạt gây bất ổn không chỉ với chính các ngân hàng đó, mà còn có thể ‘lây lan’ cho toàn hệ thống ngân hàng, đã không xảy ra.
Bản thân các ngân hàng này, sau khi thông tin về việc hợp nhất được công bố, giao dịch vẫn diễn ra bình thường, tâm lý khách hàng ổn định.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ficombank, đại diện cho ba ngân hàng tự nguyện hợp nhất, chia sẻ: “Quy mô vốn điều lệ của ngân hàng sau hợp nhất là gần 10.600 tỷ đồng, tổng tài sản trên 150.000 tỷ đồng và trên 200 đơn vị, chi nhánh, phòng giao dịch”.
Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra thông điệp sẽ có cơ chế hỗ trợ thích hợp, kịp thời nhằm đảm bảo việc hợp nhất ba ngân hàng được triển khai theo các bước một cách thuận lợi.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói: “Ba ngân hàng này đã tự nguyện hợp nhất với nhau để trở thành một ngân hàng có quy mô lớn hơn cả về năng lực tài chính và quản trị, kinh doanh, phát huy thế mạnh của 3 ngân hàng trong một ngân hàng hợp nhất”.
“Việc hợp nhất ba ngân hàng sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mỗi ngân hàng cũng như của cả hệ thống tín dụng. Đặc biệt, quyền lợi của người gửi tiền luôn được bảo đảm, quyền lợi chính đáng của các ngân hàng thương mại khác trong quan hệ cho vay vốn được quan tâm và giải quyết một cách hợp lý”, Phó Thống đốc Trần Minh Tuấn tuyên bố.
Sau hợp nhất, tất cả các nghĩa vụ nợ và có của 3 ngân hàng nói trên sẽ tập trung về ngân hàng hợp nhất. Và tên gọi của “ngân hàng hợp nhất” sẽ được công bố trước ngày 25/12/2011.
Theo Chinhphu.vn