
Ba nút thắt thương mại biên giới Vệt – Trung
- Tin tổng hợp
- Tháng Mười Một 21, 2011
- 61
Vừa qua, Bộ công thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thương mại biên giới (TMBG) tuyến biên giới phía Bắc giai đoạn 2006 – 2011. Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến hữu ích, tháo gỡ những “nút thắt” để TMBG phát triển bền vững thời gian tới…
Bãi dỡ hàng cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) – khi hạ tầng
chưa được đầu tư đồng bộ…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, 7 tỉnh có biên giới với Trung Quốc có những cặp cửa khẩu và khu kinh tế vùng biên hoạt động nhộn nhịp nhất cả nước. Trong giai đoạn 2006 – 2011, TMBG phát triển mạnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng tuyến biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, ba vấn đề nóng trong TMBG, đó là hạ tầng, cơ chế chính sách và công tác thị trường vẫn còn là rào cản lớn nhất cho việc cất cánh của khu vực.
Trong ba nút thắt, vấn đề hạ tầng cho TMBG hiện rất khẩn thiết, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh- cho rằng: “Lép về về hạ tầng sẽ dẫn tới lép vế nhiều vấn đề trong TMBG với Trung Quốc”.
Đơn cử tại Quảng Ninh, hệ thống chợ biên giới ở Quảng Ninh có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng trong thời gian tới có thể giảm sút mạnh bởi bên Đông Hưng (Trung Quốc) đã xây dựng hệ thống chợ biên giới đầy đủ để thu hút thương nhân Việt Nam sang kinh doanh, sự cạnh tranh rất mạnh. Ông Thành cho rằng, nếu vấn đề này không được giải quyết sớm, tình hình sẽ trầm trọng hơn.
Một lý do khác cũng được các địa phương “bức xúc” là nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở các địa phương này cũng rất lớn và ngày càng tăng nhưng nộp toàn bộ về Trung ương. Cơ chế tài chính đó chưa tạo điều kiện cho địa phương tái đầu tư cho TMBG và được xem là một phần nguyên nhân của tình trạng thu từ TMBG chưa xứng với tiềm năng.
Do vậy, 7 tỉnh biên giới Việt – Trung đều kiến nghị, cần trích lại ít nhất 30% nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu để đầu tư cho hạ tầng, thậm chí là 50% như đề xuất của tỉnh Lào Cai và Hà Giang. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, bên cạnh ngân sách nhà nước, các địa phương nên chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng TMBG, nhất là đối với các công trình có khả năng sinh lợi, chính quyền chỉ nên quy hoạch để thu hút đầu tư của doanh nghiệp.
Một vấn đề nóng khác là yếu tố đặc thù địa lý, văn hóa và hạ tầng của các địa phương có nhiều điểm khác biệt. Nếu Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai có sự phát triển mạnh kinh tế tại các cửa khẩu thì 4 tỉnh còn lại: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng chưa có được sự phát triển như mong muốn. Trong khi đó yếu tố thị trường giao dịch và chính sách cho các khu kinh tế cửa khẩu hiện có nhiều bất cập. Từ đó có thể thấy, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương để đáp nhu cầu thông tin sâu rộng. Phát triển tốt hệ thống dịch vụ thông tin thị trường, tư vấn kinh doanh… sẽ góp phần tạo chủ động cho doanh nghiệp.
Thêm vào đó, chương trình xúc tiến thương mại biên giới theo Quyết định 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ được các địa phương kiến nghị cần có sự bổ sung. Ông Lê Thành Đô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, với địa phương có nhiều tiềm năng về nông sản như Điện Biên rất cần các chương trình XTTM của Nhà nước để định hình thị trường và tạo kênh trao đổi quốc tế…
Nhìn sang các khu kinh tế bên kia biên giới của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều kiện hạ tầng, chính sách ưu đãi…đều rất tốt. Quy mô giao dịch và lượng hàng hóa trao đổi luôn gấp hàng trăm lần các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam. Đây thực sự là những vấn đề cần suy ngẫm cho những nhà quản trị hiện nay…
Theo Tài chính điện tử