
Xuất nhập khẩu hướng vào chiến lược mới
- Tin thương mại
- Tháng Mười Một 9, 2011
- 59
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành tổng kết toàn diện tình hình xuất nhập khẩu thời kỳ 2001-2010 để xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011-2020 vừa qua.
Trước khi nghe các kiến giải từ các đơn vị, Bộ Công Thương đã thông báo tình hình thương mại 10 năm qua (2000-2010) có sự tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vượt mục tiêu chiến lược với mức tăng bình quân 17,42%/năm (chỉ tiêu 15%/năm) và cao gấp 2,4 lần nhịp độ tăng GDP.
Đóng góp đó từ 4 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD năm 2001 đến nay đã phát triển lên 18 mặt hàng xuất khẩu chủ lực và thực hiện thành công một số khâu đột phá tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng mới. Thị trường xuất khẩu hàng hóa ngày càng được mở rộng và đa dạng, từ 160 thị trường lên 232 thị trường, bước đầu xác lập được một số thị trường đối tác hợp tác toàn diện, đối tác chiến lược.
Cơ cấu hàng nhập khẩu đã có những chuyển biến và tăng trưởng cao, đáp ứng được nhu cầu nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị và hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của dân cư. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập siêu còn cao và chất lượng tăng trưởng nhập khẩu thấp. Đặc biệt khả năng ứng phó với biến động của thị trường thế giới còn nhiều hạn chế.
Theo Bộ Công Thương, kế hoạch nhằm phấn đấu đến năm 2020 đưa Việt nam trở thành một nước có nền ngoại thương phát triển, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 3 lần năm 2010, cán cân thương mại được cân bằng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu là việc làm của cả một hệ thống.
Trước báo cáo của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, khi Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế thì cơ cấu xuất nhập khẩu phải có những chuyển động đón đầu. Do vậy, hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược trong giai đoạn 10 năm tới, có tầm nhìn đến 2030 là việc làm quan trọng, cấp bách.
Về cơ bản, Bộ Công thương cần sớm làm rõ thực trạng quản lý xuất nhập khẩu hiện nay, nhất là hiện trạng các ngành hàng xuất khẩu, cơ cấu nhập siêu… Từ đó, đưa ra được định hướng chung như việc chủ động điều chỉnh mô hình tăng trưởng xuất khẩu để bảo đảm sự phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả, phát triển xuất khẩu bền vững.
Để giải bài toán này, Phó Thủ tướng cho rằng, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, phát triển thị trường, định hướng nhập khẩu theo các mặt hàng, thị trường nhập khẩu cần được chú trọng. Hệ thống chính sách tài chính tín dụng, đầu tư hạ tầng đến quản lý nhập khẩu,…cần sớm hoàn thiện nhanh chóng bởi đây được coi là “yết hầu” cho việc thay đổi chính sách ngoại thương nước ta.
Theo Tài chính điện tử