Sẽ điều chỉnh cơ chế điều hành xăng dầu

Sẽ điều chỉnh cơ chế điều hành xăng dầu

Dự báo này được đưa ra khi Bộ Tài chính vừa yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu báo cáo kết quả kinh doanh, trong đó có cả phần trích lập quỹ bình ổn.


         Doanh nghiệp mong muốn có cơ chế tài chính xử lý các vấn đề
                      phát sinh một cách rõ ràng. Ảnh: Đức Thanh


Các doanh nghiệp sẽ báo cáo tình hình nhập khẩu xăng dầu từ đầu năm đến hết ngày 12/9/2011 (số lượng nhập khẩu, giá giao dịch, tỷ giá tại thời điểm nhập) với Bộ Tài chính trong tháng 9/2011. Ngoài ra, bên cạnh kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp cũng phải báo cáo việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu từ đầu năm đến hết ngày 12/9/2011…

Đó là những điểm chính trong yêu cầu của Bộ Tài chính gửi các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm xuống mức thấp, trong khi giá dầu thành phẩm vẫn cao, thậm chí ở Singapore, nơi nhập khẩu xăng dầu lớn của Việt Nam, giá xăng dầu xoay quanh mức 120-121 USD/thùng. Điều này đã khiến một số doanh nghiệp xăng dầu vừa đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh tăng giá xăng dầu, nhưng chưa được đồng ý.

Cơ chế điều hành thị trường xăng dầu hiện vướng nhất hai vấn đề là cơ chế điều hành giá và quỹ bình ổn. Liên quan tới chính sách giá, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhắc tới ý kiến đã trao đổi nhiều lần, đó là doanh nghiệp xăng dầu cần cơ quan quản lý cho phép được thực hiện cơ chế giá theo thị trường như quy định ở Nghị định 84/2009/NĐ-CP. “Việc neo giá, giữ giá, với các văn bản yêu cầu doanh nghiệp không điều chỉnh giá đầu ra trong khi giá đầu vào liên tục tăng…, là nguyên nhân chính gây ra lỗ cho các doanh nghiệp xăng dầu và làm thị trường trở nên rối trong mắt người tiêu dùng khi doanh nghiệp công bố thông tin liên quan tới kinh doanh”, ông Bảo nói.

Chia sẻ quan điểm cơ chế điều hành giá theo thị trường, ông Cao Văn Hân, Giám đốc điều hành Công ty Xăng dầu Quân đội, một trong số các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, khẳng định, khi doanh nghiệp được chủ động về giá theo cơ chế mà Chính phủ đã quy định, thì những nảy sinh về chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp sẽ được giải quyết.

Chẳng hạn, với Petrolimex, việc “phân kỳ” trong các báo cáo gửi cơ quan quản lý là hết sức cần thiết, bởi doanh nghiệp phải xác định rõ đâu là giai đoạn tham gia bình ổn thị trường theo chỉ đạo, đâu là giai đoạn được tăng giá, giảm giá theo thị trường. Doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam này đòi hỏi cơ quan quản lý phải có cơ chế xử lý lỗ do doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn. Do đó, báo cáo lần này mà các doanh nghiệp gửi về Bộ Tài chính được coi là một trong những cơ sở để cơ quan quản lý có những thay đổi trong việc điều hành giá cả xăng dầu.

Doanh nghiệp xăng dầu mong muốn, do không phải là doanh nghiệp công ích, nên khi thực hiện nhiệm vụ bình ổn theo chỉ đạo, doanh nghiệp phải có được cơ chế tài chính xử lý các vấn đề phát sinh (như lỗ) một cách rõ ràng. Điều này sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp được bảo toàn vốn, phát triển thông qua tích luỹ, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho xã hội, qua đó đảm bảo ổn định sản xuất, ổn định đời sống của người dân.

Về quỹ bình ổn, các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị, quỹ bình ổn giá cần phải thay đổi cách thành lập và vận hành. Ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, có những thời điểm, quỹ bình ổn bị âm nhưng doanh nghiệp vẫn nhận được chỉ đạo xả quỹ bình ổn từ Bộ Tài chính.

“Cách trích lập quỹ bình ổn hiện nay cũng có vấn đề, khi mà đáng lẽ việc này phải là do các doanh nghiệp chủ động, thay vì tính vào cơ cấu giá và lấy tiền của người tiêu dùng như hiện nay”, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia về giá cả thị trường nhiều lần phát biểu và cho rằng, nếu thực hiện được cách làm này thì các doanh nghiệp sẽ chủ động được phần trích lập và sử dụng, còn người tiêu dùng không bị rơi vào tình trạng ấm ức vì luôn nghi ngờ doanh nghiệp xăng dầu thiếu minh bạch trong việc sử dụng quỹ bình ổn như hiện nay.

Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đang chờ đợi một cơ chế phù hợp trong kinh doanh xăng dầu thời gian tới.

                                                                             Theo Báo Đầu tư