
Làm rõ danh mục đầu tư có điều kiện
- Tin tổng hợp
- Tháng Chín 18, 2011
- 65

Một phần ách tắc về dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ được khơi thông,
khi danh mục đầu tư có điều kiện được làm rõ.
Đây là nội dung cần đặc biệt quan tâm. Cụ thể, danh mục “ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện theo cam kết WTO và luật chuyên ngành” cần phải làm ngay, đồng thời phải được cập nhật thường xuyên.
Thực tế đang có tình trạng ngành nghề kinh doanh trong danh mục không cập nhật theo sự phát triển về ngôn ngữ pháp lý và hoạt động kinh doanh trên thực tiễn, gây khó khăn cho các nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ví dụ, ngành nghề “outsourcing” và “insourcing” là hoạt động khá phổ biến ở nước ngoài (được biết rộng rãi ở Việt Nam qua cuốn sách “Thế giới phẳng”), nhưng lại không được chấp nhận ở Việt Nam với lý do đơn giản là không có quy định. Cho tới thời điểm này, điều này mới được đề cập tại Dự thảo Luật Lao động với khái niệm “cho thuê lao động”. Khi làm thủ tục để đăng ký giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối đăng ký thực hiện hoạt động này, mặc dù không có văn bản nào cấm… Rất khó giải thích để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu được lý do đề nghị của họ bị từ chối!
Liên quan đến vấn đề cam kết WTO, cần lưu ý đến quy định về ưu đãi đầu tư và phạm vi được quyền kinh doanh của nhà đầu tư từ quốc gia thành viên hay không phải là thành viên WTO. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần được biết các cơ chế liên quan đến dự án đầu tư của họ ở Việt Nam khi họ muốn cân nhắc đầu tư vào Việt Nam.
Thực tế hiện nay, phần lớn các cơ quan nhà nước liên quan đến việc cấp phép đầu tư ở địa phương không chú ý nhiều đến quốc tịch của nhà đầu tư, mà chủ yếu nhìn vào danh mục dịch vụ được cam kết theo WTO. Với quan điểm này, khi nhận được hồ sơ của nhà đầu tư, các cơ quan xử lý cứ thấy ngành nghề kinh doanh không thuộc diện cam kết thì ngay lập tức từ chối đơn xin đầu tư, hoặc hỏi ý kiến Bộ Công thương… Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có thể thấy, việc Việt Nam trở thành thành viên WTO không đem lại những lợi ích nào cho các quốc gia thành viên WTO.
Nếu làm rõ được nội dung này, đi kèm với đó là chính sách và thủ tục đầu tư với các nhà đầu tư muốn đầu tư vào ngành/phân ngành dịch vụ “chưa cam kết” hoặc không được liệt kê trong biểu cam kết WTO, thì một phần ách tắc về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn đầu tư thông qua hoạt động M&A, sẽ được khơi thông.
Theo Báo đầu tư