
Rà soát những quy định làm khó doanh nghiệp
- Tin tổng hợp
- Tháng Tám 17, 2011
- 57
Ngày 16/8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp” để lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, đại diện các cơ quan Nhà nước… về nội dung báo cáo này.
Luật Doanh nghiệp ra đời năm 2005 (có hiệu lực từ 1/7/2006) sau gần 5 năm thực hiện, bên cạnh những điểm tích cực đã bộc lộ những hạn chế, phần nào cản trở hoạt động của doanh nghiệp, cần được sửa đổi.
Theo Luật gia Cao Bá Khoát, thực tế, nhiều người có tâm lý quá coi nặng vấn đề con dấu vì suy nghĩ đây là do cơ quan có thẩm quyền cấp dấu, thể hiện tính hợp pháp. Do đó, nhiều khi chữ ký chỉ là bản sao (photocopy) nhưng được đóng dấu thì lại có giá trị chính thức. Trong khi, con dấu chỉ là một dấu hiệu nhận dạng doanh nghiệp mà không phải là biểu hiện pháp lý của doanh nghiệp vì nó dễ bị làm giả và tính xác thực kém hơn so với chữ ký, vân tay… Ông Cao Bá Khoát đề nghị, cần sửa đổi Điều 36 Luật Doanh nghiệp theo hướng không bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu.
Ông Cao Bá Khoát còn góp ý, không nên quy định bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo ngành nghề kinh tế Việt Nam mà để tự người dân đăng ký ngành nghề kinh doanh theo ý tưởng đầu tư của mình, tự lựa chọn ngành nghề để kinh doanh.
Còn theo Luật sư Vũ Anh, việc xác định ngành nghề đăng ký kinh doanh cũng còn nhiều bất cập vì vẫn chưa có sự phân biệt giữa ngành nghề kinh tế và kinh doanh thực tế.
Người lãnh đạo, điều hành có ý tưởng về đăng ký kinh doanh ngành nghề đôi khi rất mới, đi trước nhiều người khác , tuy nhiên theo Luật thì phải đăng ký trong danh mục những ngành nghề quy định. Do đó, thực tế khi đăng ký không có trong ngành nghề hiện đang được quy định thì hồ sơ không được xử lý.
Trước đề xuất mà báo cáo đưa ra về bãi bỏ những quy định đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Gia Thắng, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng trong thời điểm hiện tại thì không nên. Bởi địa vị pháp lý của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cơ bản là không giống nhau và hiện nay cũng không một quốc gia nào trên thế giới cào bằng ranh giới quyền và nghĩa vụ giữa hai loại chủ thể đầu tư này.
Những quy định hạn chế đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết để bảo vệ đầu tư trong nước, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn đề cập đến nhiều vấn đề trong Luật như làm rõ tỷ lệ góp vốn và vốn điều lệ; cá nhân có được ủy quyền cho người khác làm đại diện không, thời hạn chuyển nhượng cổ phần; đăng ký tăng giảm vốn điều lệ đối với công ty cổ phần; cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên phải được đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền; người đại diện theo pháp luật có phải thường trú tại Việt Nam…
Theo Chinhphu.vn