Cuối năm vàng, USD là kênh đầu tư hấp dẫn

Cuối năm vàng, USD là kênh đầu tư hấp dẫn

Thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ đang trở thành nguy cơ, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Mối quan hệ vàng-“đô” cũng được dự báo sẽ có sự “bắt tay” cùng đi lên vào cuối năm nay.



Tỷ giá lặp lại kịch bản cũ

Chính sách chống đô la hoá, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ vừa qua của Chính phủ đã nhanh chóng đẩy lùi mọi cơn sốt của tỷ giá và vàng. Tính đến thời điểm này, tỷ giá và vàng luôn có mức giá khá thấp, thậm chí có lúc tỷ giá USD tự do thấp hơn thị trường chính thức và vàng cũng vẫn chạy theo sau giá thế giới.

Tính đến ngày 2/8/2011, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì quanh mức 20.550 -20.600 đồng/USD.

Theo một số chuyên gia kinh tế, thời điểm này vẫn chưa phải là lúc thị trường cần nguồn cung ngoại tệ nhiều, đặc biệt là cho các khoản thanh toán quốc tế…. Trong khi đó, thị trường “rủng rỉnh” ngoại tệ một phần nhờ quy định áp trần lãi suất huy động VND mà “thả” lãi suất USD.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  cho thấy, tính đến đầu tháng 6 vừa qua, tín dụng ngoại tệ tăng mạnh tới 22,21%, trong khi tín dụng bằng VND chỉ tăng 2,72%. Trong tháng 7, tín dụng ngoại tệ vẫn có xu hướng tăng. Điều này cho thấy, dù “siết” tín dụng nhưng vẫn còn kẽ hở để các ngân hàng cũng như doanh nghiệp xoay sở. Trong thời gian qua, khá nhiều doanh nghiệp đã vay USD và bán ra lấy  tiền VND để quay vòng vốn cho sản xuất kinh doanh.

Câu chuyện này cũng lặp lại tương tự như năm 2010 và các chuyện gia kinh tế cũng đã cảnh báo, đây sẽ là áp lực cho tỷ giá vào cuối năm, khi các các hợp vay đề kỳ đáo hạn, doanh nghiệp lại phải cần có USD để trả nợ ngân hàng, một khi cầu tăng mạnh thì cung tất yếu sẽ leo thang cùng giá.

Một thị trường có tính thanh khoản cao khác là vàng cũng đang là một kênh được dự báo sẽ “nóng” trong thời gian tới. Nhiều nhà phân tích đã dự báo, giá vàng sẽ tăng mạnh trên 1.700 USD/ounce, thậm chí là 2.000 USD/ounce.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 là giai đoạn thị trường vàng quốc tế tương đối bình ổn, đặc biệt là từ tháng 5 đến tháng 6 khi giá vàng quốc tế có xu thế giảm trong ngắn hạn, từ đỉnh 1.575 USD/ounce về lại mốc dưới 1.500 USD/ounce. Vì vậy, có nhiều nguyên nhân khiến nhu cầu tích trữ vàng và ngoại tệ hạ nhiệt trong tháng 4 đến tháng 6 chứ không chỉ có tác động từ các chính sách kiểm soát thị trường vàng và chống đô la hoá. Nếu giá vàng quốc tế lại tăng nhanh trở lại (hiện tại đã vượt mốc 1.600 USD/ounce) do tác động bất ổn từ các cuộc khủng hoảng nợ công khu vực châu Âu và Mỹ và khi vàng đi vào mùa thường có biến động tăng giá (bắt đầu từ tháng 9 hàng năm) thì nhu cầu găm giữ vàng và ngoại tệ có thể tăng trở lại. Khi đó, sức ép lên tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục căng thẳng. Nếu cùng thời điểm này mà nhu cầu USD cho thanh toán quốc tế và trả nợ cùng tăng thì đây sẽ là thử thách mới vào dịp cuối năm đối với mặt bằng tỷ giá hiện tại của VN.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Á Châu (ACB), thời gian vừa qua tuy NHNN đã mua vào khoảng hơn 4 tỷ USD nhưng hiện khó có nguồn USD từ nước ngoài chuyển vào. Trong nửa đầu năm 2011, các nguồn bù đắp thâm hụt thương mại như kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều giảm. Tính riêng quý 2 năm nay, kiều hố chỉ đạt khoảng 1,9 tỷ USD, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là 2,2 tỷ USD.
 
Đầu tư trực tiếp của Việt Nam 6 tháng đầu năm cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 3,3 tỷ USD. Vốn đầu tư gián tiếp đã giảm mạnh còn 350 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, trong khi 6 tháng đầu năm 2010 là 1,79 tỷ đôla. Càng về cuối năm vấn đề thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ càng đáng lo ngại. Nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu hụt thanh khoản.

Vàng vẫn là kênh cạnh tranh

Những tháng cuối năm 2011, thị trường chứng khoán vẫn được dự báo khó trông mong có được dòng vốn trong nước lẫn quốc tế đổ vào. Trong khi đó, chính sách tiền tệ thắt chặt cũng gây ra một số những tiềm ẩn, bất ổn của kinh tế Việt Nam, trong đó có thể khiến vấn đề ổn định hệ thống ngân hàng và khống chế nợ xấu khó thực hiện tốt. Không những vậy, rủi ro tỷ giá sẽ vẫn là một mối lo trong các quý còn lại của năm 2011. 

Chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng, vàng vẫn có thể trở thành kênh cạnh tranh đối với dòng vốn vào thị trường chứng khoán nếu giá vàng quốc tế tiếp tục được hỗ trợ bởi những tin tức về bất ổn nợ quốc gia trên thế giới và xu thế tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ.

Biến động thị trường vàng trong thời gian vừa qua cho thấy, đã có sự tham gia của giới đầu tư vào thị trường này sau một thời gian dài im ắng. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trong khi kênh chứng khoán, bất động sản đang khó khăn và đầy rủi ro thì sức tăng mạnh mẽ của vàng có thể sẽ là kênh đầu tư an toàn.

Vào cuối năm, bất động sản chỉ có thể trở than kênh thu hút đầu tư nếu có nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn về tài chính buộc phải chuyển nhượng với giá thấp hoặc buộc phải tìm phương thức gọi vốn với mức sinh lời hấp dẫn. Tuy nhiên, những bất ổn đối với thị trường bất động sản cũng có thể khiến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trong lĩnh vực này chịu nhiều áp lực bán hơn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, về thị trừơng vàng, tình trạng buôn lậu vàng khiến cho nguồn cầu ngoại tệ rất lớn. Việc xuất nhập khẩu vàng cũng gây ra thâm hụt cán cân thương mại.

Cũng theo TS.Doanh, gần đây Bộ Công Thương có công bố, cán cân thương mại đã được cải thiện rất tốt, xuất khẩu đã tăng khá mạnh, nhưng trong số lượng xuất khẩu đó có phần lớn là xuất khẩu vàng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm đã có khoảng hơn 20 tấn vàng được xuất khẩu và trong tháng 7 tái xuất vàng tiếp tục ở mức cao, ước tính thêm khoảng gần chục tấn vàng nữa. Nếu như giá vàng trong nước và thế giới xích lại gần nhau thì sẽ không xuất khẩu nữa. Nhưng đã xuất khẩu thì phải có nhập khẩu và nhập lậu vàng sẽ gia tăng và lại tiêu tốn một nguồn ngoại tệ lớn …Mối quan hệ vàng-“đô” này khiến cả hai đều có thể sẽ “nóng” lên vào cuối năm.

                                                                                    Theo VnMedia