
Bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân
- Trợ giúp pháp lý
- Tháng Bảy 20, 2011
- 77
Bước vào năm 2011, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, song còn chứa nhiều yếu tố bất ổn, khó lường, giá nguyên liệu cơ bản và lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, lạm phát tăng ở nhiều quốc gia, nguy cơ khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, … Ở trong nước, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động bất lợi của kinh tế thế giới (kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 1,6 lần GDP) và những hạn chế nội tại; lạm phát tăng cao, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh, nhập siêu lớn, lãi suất cho vay cao làm tăng chi phí đầu vào. Để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 02-KL/TW ngày 16 tháng 3 năm 2011, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/2011/QH12 ngày 29 tháng 3 năm 2011 và triển khai thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể như sau:
– Ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.
– Ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
– Tổng hợp danh mục các dự án cắt giảm đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.
– Ban hành Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011.
– Trợ cấp khó khăn cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người có công, gia đình thuộc diện hộ nghèo… và yêu cầu các doanh nghiệp trợ cấp cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp; nâng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên vay vốn; đồng thời Chính phủ đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2011…
Sau 6 tháng quyết liệt tập trung triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nền kinh tế đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực: Thị trường ngoại tệ, tỷ giá, vàng ổn định; tăng trưởng tín dụng được kiểm soát; thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dần được cải thiện; thu chi ngân sách đạt khá; tiết kiệm chi được thực hiện nghiêm túc; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm lại và có chiều hướng giảm dần; kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao; việc cắt giảm và điều chuyển, giãn tiến độ đầu tư công đã được thực hiện theo đúng quy định; sản xuất công nghiệp tăng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh; an sinh xã hội được quan tâm; an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Những kết quả bước đầu tích cực trên khẳng định các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là đúng hướng và phù hợp với diễn biến tình hình thực tế của đất nước.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại, thấp hơn kế hoạch và cùng kỳ năm trước, lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, lãi suất cao, giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào vẫn có xu hướng tăng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; thị trường chứng khoán sụt giảm; đời sống của người lao động, người có thu nhập thấp gặp khó khăn …
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ đã thực hiện gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội và một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh quan trọng.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định đời sống người lao động, Chính phủ trình Quốc hội giải pháp về miễn, giảm thuế như sau:
Về nội dung miễn giảm thuế:
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp: giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội và một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh quan trọng.
2. Giảm 50% mức thuế khoán (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp) từ Quý III năm 2011 đến hết năm 2011 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010.
3. Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN):
a) Miễn thuế TNCN từ ngày 01/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012 đối với:
– Cổ tức được chia cho cá nhân (trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, các quỹ đầu tư tài chính, các tổ chức tín dụng) từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp nhằm góp phần ổn định và khuyến khích đầu từ vốn trực tiếp vào sản xuất kinh doanh và đảm bảo bình đẳng với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng hiện đang được miễn thuế: khi Chính phủ trình dự án Luật thuế TNCN ra Quốc hội dự kiến thu thuế cả cổ tức và tiền lãi tiết kiệm theo thông lệ quốc tế (hầu hết các nước đều thu thuế TNCN đối với lãi tiết kiệm); sau khi xem xét đã quyết định không thu đối với lãi tiền gửi tiết kiệm.
Không miễn thuế đối với cổ tức được chia từ các ngân hàng cổ phần, các quỹ đầu tư tài chính, các tổ chức tín dụng vì năm 2009-2010 các ngân hàng cổ phần đều trả cổ tức với mức cao trên 10% vốn cổ phần.
– Miễn thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân (20% trên thu nhập hoặc 0,1% trên giá trị chuyển nhượng) để góp phần ổn định thị trường chứng khoán, huy động vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Hoạt động của thị trường chứng khoán từ năm 2009 đến nay chỉ số Vn-Index luôn giảm điểm (ngày 31/12/2009 là 495,36 điểm, đến 31/12/2010 còn 486,66 điểm; trong 6 tháng đầu năm 2011, chỉ số Vn-Index giảm khoảng 53 điểm – từ 485,72 điểm trong phiên giao dịch đầu năm xuống còn 432,54 điểm vào ngày 30/6/2011, tương đương giảm gần 11%), xét trên bình diện tổng thể, nhà đầu tư hầu như không có thu nhập, thậm chí lỗ. Hiện nay đa số nhà đầu tư nộp thuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượng nên có trường hợp lỗ vẫn phải nộp thuế.
Để thị trường chứng khoán phục hồi, vấn đề quan trọng là các chỉ số kinh tế vĩ mô phải ổn định, bền vững, tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư, vì vậy cần có thời gian nhất định; mặt khác, cuối năm 2012 Chính phủ dự kiến trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN. Với các lý do đó, Chính phủ đề nghị miễn thuế đến hết năm 2012 cho các đối tượng nêu tại điểm a.
b) Miễn thuế TNCN từ ngày 01/8/2011 đến hết ngày 31/12/2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của Biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại Luật thuế TNCN (bậc 5% đối với cá nhân sau khi tính giảm trừ gia cảnh có thu nhập đến 5 triệu đồng/tháng).
Các cá nhân thuộc diện được miễn thuế bao gồm: cá nhân không có người phụ thuộc có thu nhập từ trên 4 triệu đồng đến 9 triệu đồng/tháng; cá nhân có 1 người phụ thuộc có thu nhập từ trên 5,6 triệu đồng đến 10,6 triệu đồng/tháng; cá nhân có 2 người phụ thuộc có thu nhập từ trên 7,2 triệu đồng đến 12,2 triệu đồng/tháng…
Tác động đến NSNN, thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh (giảm bớt được vay vốn với lãi suất cao), người lao động bớt khó khăn, ổn định đời sống, từ đó có động lực để yên tâm lao động sản xuất kinh doanh. Đối với ngân sách nhà nước, tác động đến thu ngân sách như sau:
1. Về gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN 01 năm đối với số thuế TNDN phải nộp năm 2011 của doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sau khi được giảm 30% là khoảng 6.900 tỷ đồng (số này sẽ thu vào năm 2012).
2. Giảm 50% mức thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ cho công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên thuê; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp suất ăn ca cho công nhân, dự kiến giảm khoảng 800 – 900 tỷ đồng.
3. Giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp cung ứng suất ăn ca cho công nhân: do thuế giá trị giá tăng có tính chất khấu trừ liên hoàn, số thuế đầu ra của doanh nghiệp cung ứng suất ăn ca là số thuế đầu vào mà các doanh nghiệp mua suất ăn được khấu trừ cho nên nói chung sẽ không ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách.
4. Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng được giãn nộp thuế:
(i) Tổng số doanh nghiệp thuộc diện được giảm 30% số thuế phải nộp năm 2011 khoảng 303.200 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 236.500 doanh nghiệp và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khoảng 66.700 doanh nghiệp.
(ii) Giảm thu ngân sách khoảng 3.700 tỷ đồng.
5. Miễn 5% thuế TNCN đối với thu nhập từ cổ tức của nhà đầu tư chứng khoán: dự kiến giảm khoảng 800-900 tỷ đồng.
6. Miễn thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân: dự kiến giảm khoảng 360 tỷ đồng.
7. Miễn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của Biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại Luật thuế TNCN: dự kiến giảm khoảng 630 tỷ đồng.
Tổng hợp chung:
– Tổng số thuế giãn năm 2011 khoảng: 6.900 tỷ đồng (sẽ thu vào năm 2012).
– Tổng số thuế miễn, giảm năm 2011 khoảng 4.200 tỷ đồng.
– Tổng số thuế miễn, giảm năm 2012 khoảng 2.200 tỷ đồng.
Việc miễn, giảm thuế theo các chính sách miễn, giảm thuế nêu trên chủ yếu là tác động đến thu ngân sách nhà nước năm 2011 và một phần trong năm 2012. Để bù đắp số giảm thu này, Chính phủ đã và tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như:
(i) Tăng thu từ dầu thô do sự biến động tăng của giá dầu thô, từ đầu năm 2011 đến nay giá dầu thô luôn ở mức cao, bình quân 103USD/thùng, tăng 26 USD/thùng so với giá tính dự toán được Quốc hội phê duyệt;
(ii) Tăng thu do điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xa xỉ không khuyến khích nhập khẩu để hạn chế nhập siêu như ôtô du lịch 9 chỗ ngồi trở xuống…; tăng thu từ thuế tài nguyên (từ 01 tháng 7 năm 2010 áp dụng Luật thuế tài nguyên, theo đó, mức thuế một số loại tài nguyên có quy định cao hơn nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô);
(iii) Tăng thu từ việc thực hiện các biện pháp quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ngay từ đầu năm 2011, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra toàn diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2011 đã phát hiện vi phạm và thực hiện truy thu trên 5.000 tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp này), giảm nợ đọng tiền thuế (từ đầu năm 2011 đến nay, cơ quan Thuế, Hải quan đã triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu nên đã giảm 50% số nợ đọng thuế).
Về tổ chức thực hiện, việc miễn, giảm các loại thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vì vậy Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận đề xuất miễn, giảm thuế cho các đối tượng nêu trên.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết nhằm bảo đảm các biện pháp miễn, giảm thuế được sớm thực hiện có hiệu quả, đúng đối tượng, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương để tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách đi đôi với các giải pháp quản lý, thanh tra, kiểm tra cả trong và sau quá trình thực hiện Nghị quyết.