
Doanh nghiệp linh hoạt ứng phó khó khăn
- Tin tổng hợp
- Tháng Sáu 30, 2011
- 59
Mặc dù, gặp khá nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh song không ít doanh nghiệp đã tìm ra cách “tự cứu mình” đồng thời khẳng định vị thế trên thương trường bằng những bước thay đổi linh hoạt trong chiến lược kinh doanh.
Tại hội thảo “Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của doanh nghiệp” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ khó khăn và cùng tìm biện pháp ứng phó.
PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương nhấn mạnh, doanh nghiệp phải nhìn lại mình để tái cấu trúc, không nên mở rộng sản xuất mà phải duy trì sản xuất hiện tại hoặc có thể giảm đi những khâu yếu nhất.
Doanh nghiệp không sợ thiếu vốn vì có những phương án kinh doanh tốt thì sẽ huy động được nguồn vốn.”Vay ngoại tệ khó, lãi suất cao, chi phí sản xuất tăng, doanh nghiệp phải nhìn lại mình để tái cấu trúc, duy trì sản xuất hiện tại hoặc có thể giảm đi những khâu yếu nhất”.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết, Vissan đã có kế hoạch ứng phó với lạm phát bằng cách “không giương buồm cao trước sóng lớn”, tức là chuyển chiến lược phát triển sang tồn tại và bảo toàn nguồn vốn. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết nông nghiệp – công nghiệp chế biến – phân phối sản phẩm, trong đó chú trọng chất lượng sản phẩm.
Cũng là biện pháp rất cụ thể mang tính “cái khó ló cái khôn”, ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Tập đoàn Cacao Việt Nam, cho biết, để có giá thành thấp nhất trong bối cảnh khó khăn này, công ty phải luôn thực hiện chiến lược “mua tận gốc, bán tận ngọn”.
Trong khi đó, là loại hàng hóa đặc biệt do khách hàng đặt trước, có giá trị lớn, thời gian gia công dài, chịu chi phí lãi vay ngân hàng lớn, quyết toán chậm, thạc sĩ Đỗ Hồng Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đóng tàu Bạch Đằng cho hay, để tồn tại trong hoàn cảnh “khó khăn trăm bề”, doanh nghiệp chỉ có thể chọn loại đấu thầu có điều chỉnh giá; chia nhỏ giai đoạn thanh toán và ứng mua trước vật tư chính.
Còn ông Nguyễn Thanh Hoàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng công trình ngầm (Vinavivco) cho rằng, cần phát hiện ra những yếu kém hoặc rủi ro trong quản lý và điều hành doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra một chương trình tái cấu trúc toàn diện. Cụ thể, thay đổi tư duy lãnh đạo và quản lý; xây dựng một hệ thống xuyên suốt từ tầm nhìn – sứ mệnh – chiến lược – mục tiêu dài hạn, ngắn hạn. Song song với đó là xây dựng hệ thống các chỉ số đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp, nhằm kịp thời theo dõi tình trạng “sức khoẻ”, phát hiện những nút thắt để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Một số biện pháp đang được các doanh nghiệp bán lẻ thực hiện là thu hẹp hoạt động, thận trọng trong đầu tư mới, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tối đa chi phí, có kế hoạch thu mua và lưu kho hàng hoá linh hoạt, đồng thời đưa ra nhiều ưu đãi, chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng.
TS Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, lạm phát có tác động dây chuyền cho nên giữ sức mua bình ổn là mục tiêu lớn nhất của các nhà bán lẻ.
Các doanh nghiệp bán lẻ cần phải có sự phối hợp giữa các nhà phân phối – bán lẻ và sản xuất trong các chương trình hợp tác khuyến mãi, cũng như cần có sự chia sẻ khó khăn giữa người sản xuất – nhà bán lẻ – người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ cũng nên tạo nhãn hàng riêng với mức giá rẻ, phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp.
Theo Chinhphu.vn