
Giá đường cao là do khâu phân phối?
- Tin thương mại
- Tháng Năm 18, 2011
- 57
“Từ đầu năm đến nay, giá đường thế giới giảm tới 18% trong khi giá đường trong nước chỉ giảm nhẹ. Hiện nhiều chợ đầu mối cũng như siêu thị có giá rất cao. Đây là điều hết sức vô lý, nguyên nhân khiến cho giá đường trong nước luôn ở mức cao cần phải xem lại khâu phân phối”.
Đây là khẳng định của Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), ông Nguyễn Lộc An khi đề cập đến vấn đề này.
Giá đường trong nước cao… hơn thế giới
Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện nay, giá bán buôn đường RS khoảng 17.000-18.500 đồng/kg, đường trắng RE khoảng 18.000-20.000 đồng/kg tùy khu vực, giảm khoảng 500-1.000 đồng so với những tháng đầu năm nhưng vẫn cao hơn khoảng 2.500-3.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2010.
Theo ông Nguyễn Lộc An cho biết, từ đầu năm đến nay, giá bán buôn đường thế giới giảm tới 18% trong khi giá bán buôn đường trong nước chỉ giảm từ 5,2 – 9,2%. Bên cạnh đó có một thực tế là hiện nay, giá bán lẻ đường tại nhiều chợ đầu mối, siêu thị lên tới 26.000 đồng/kg.
Lý giải về điều này ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, các nhà máy đường đang chịu ảnh hưởng từ việc Bộ Công Thương cho nhập đường trong khi doanh nghiệp (DN) đang tồn kho nhiều.
“Trong khi đó, giá thành sản xuất của doanh nghiệp hiện nay khoảng 12.000 đồng – 15.000 đồng/kg. Vì vậy, cần phải bán giá từ 18.000 đồng/kg trở lên thì mới đảm bảo thu nhập cho người nông dân”, ông Long nói.
Mặt khác, theo ông Long, giá công bố từ nhà máy là giá bán đường sỉ (theo bao 50kg), còn giá bán đường đến tay người tiêu dùng, như giá ở các chợ đầu mối, siêu thị là giá bán lẻ, đã được đóng gói chia nhỏ theo loại, 500g – 1kg, vì vậy giá cũng sẽ khác.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giá đường cao bảo đảm thu nhập cho người trồng mía chỉ là con số nhỏ, trong khi đó giá đường tăng sẽ ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào của nhiều mặt hàng đẩy giá thành lên cao, và đại bộ phận người tiêu dùng sẽ bị thiệt.
Theo ông Long cho biết, nếu giá bán thấp, người nông dân không trồng mía, ngành sản xuất đường sẽ chết. “Mỗi người tiêu dùng chịu thiệt một chút, mua đắt hơn khoảng 4.000 kg thì có thể thúc đẩy ngành mía đường Việt Nam phát triển”, ông Long cho hay.
Xem lại khâu phân phối
Thế nhưng, theo ông An, việc giá đường trong nước cao hơn giá thế giới là do hệ thống phân phối của các doanh nghiệp có vấn đề và vấn đề đó nằm ở chính khâu từ nhà sản xuất đến các đại lý, nhà phân phối.
“Bởi lẽ, vào thời điểm năm 2010 khi giá đường cao, do tâm lý người dân xếp hàng đi mua, Nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp bình ổn giá đường nhưng không doanh nghiệp nào hưởng ứng, lượng hàng đưa ra nhỏ giọt. Nay giá đường vẫn đứng ở mức cao hơn so với giá thế giới nhưng doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn”, ông An cho hay.
“Vì vậy, cần xem lại hệ thống phân phối của ngành đường hiện nay. Đối với các nhà sản xuất, để tránh bị động và khó khăn khi bị các doanh nghiệp thương mại không chịu nhập hàng để dự trữ và giá cả thất thường, các doanh nghiệp sản xuất đường cần có hợp đồng dài hạn với các nhà phân phối thay vì các hợp đồng ngắn hạn”, ông An đưa ra lời khuyên.