Giá cả vẫn ổn định sau tăng lương

Giá cả vẫn ổn định sau tăng lương

Từ 1/5, mức lương tối thiểu mới được áp dụng. Nhưng trái với tâm lý lo lắng của người tiêu dùng là giá cả thường “đi trước đón đầu”, nhìn chung thị trường hàng hóa vẫn khá ổn định.

 

Khảo sát của Báo Công Thương cho thấy mặt hàng thực phẩm vẫn duy trì mức giá cũ. Tại Hà Nội, giá thịt lợn, gà, bò… chưa thay đổi. Cụ thể, thịt ba chỉ dao động trong khoảng 85.000- 90.000 đồng/kg, thăn lợn 105.000- 110.000 đồng/kg, diềm thăn bò 160.000- 170.000 đồng/kg.  

Mặt hàng thủy sản cũng không biến động, giá cá thu lạnh vẫn ở mức 170.000 đồng/kg, cá thu đao 45.000- 47.000 đồng/kg, cá chép 55.000- 65.000 đồng/kg…

Thậm chí, giá các mặt hàng rau củ quả còn giảm khá đáng kể. Chỉ trong tuần trước, tại các chợ bán lẻ, rau muống có giá 5.000 đồng/mớ thì sau dịp nghỉ lễ, đã hạ xuống còn 3.500- 4.000 đồng/mớ. Các loại rau khác cũng trong xu hướng giảm: bắp cải từ 5.000- 6.000 đồng/kg giảm còn 4.000- 4.500 đồng/kg, đỗ xanh giảm mạnh từ 15.000 còn 10.000 đồng/kg…


Thủy sản – mặt hàng mới được TP HCM đưa vào
chương trình bình ổn giá năm 2011. Ảnh SGGP


Trong khi đó, tại ĐBSCL, sau khi tăng lên đỉnh điểm 6,1 – 6,2 triệu đồng/tạ, vài ngày nay giá heo hơi đã hạ nhiệt. Thương lái ở Đồng Tháp, Vĩnh Long… mua heo hơi tại chuồng còn 5,6 – 5,7 triệu đồng/tạ, đây là mức giá vẫn đảm bảo cho người nuôi có lời.

Báo SGGP cho biết nguồn cung thịt heo ở các chợ cũng nhiều hơn trước. Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình cung cầu thịt heo đã bớt căng thẳng và giá heo hơi sẽ ổn định trở lại trong thời gian tới, tuy nhiên vẫn ở mức cao do các chi phí đầu vào đều tăng.

Nhiều nguyên nhân ổn định giá cả

Theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, về nguyên lý, việc tăng lương này sẽ không gây sức ép đến mặt bằng giá.

Lý do là kinh phí tăng lương được lấy từ một phần tăng thu, kết hợp với phần tiết kiệm chi thường xuyên, chứ không in thêm tiền, không tăng tổng tiền của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc tăng lương theo lộ trình vẫn có thể gây sức ép tâm lý đến giá cả. Để hạn chế hiện tượng tăng giá theo lương, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường mạnh hơn giải pháp thanh tra, kiểm tra thị trường, giá cả… và xử lý thật nghiêm những hiện tượng lợi dụng làm bất ổn thị trường. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã nhận định mức tăng của CPI trong tháng 4 nhiều khả năng đã là đỉnh của năm nay.

Từ những tháng tiếp theo, CPI có thể vẫn tăng nhưng tốc độ sẽ chậm lại, khi các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ phát huy tác dụng rõ nét hơn. Các chính sách tiền tệ bao giờ cũng có độ trễ nhất định về thời gian.

Tuy nhiên, có thể thấy, ngoài sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, các bộ ngành liên quan thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và ngay chính cả những tiểu thương cũng góp sức không nhỏ để bình ổn thị trường.

Chẳng hạn, tại TPHCM, năm 2011, bên cạnh 14 doanh nghiệp đã tham gia trong năm 2010, có thêm 8 doanh nghiệp mới đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá. Lượng hàng bình ổn chiếm bình quân khoảng 20%-25% so với nhu cầu thị trường, và tăng 14%-41% so với năm 2010.

Mới đây, nhiều siêu thị như BigC , Saigon Co.op… đã từ chối các nhà cung cấp tăng giá vô lý. Thậm chí, Công ty Vissan vừa phối hợp với Saigon Co.op giảm giá bán 10.000 đồng/kg đối với thịt heo tươi sống.

Rõ ràng, vẫn chưa thể chủ quan với lạm phát, các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội vẫn cần phải tiếp tục được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, song việc giá cả vẫn ổn định sau khi lương tối thiểu tăng là một tín hiệu đáng mừng cho thời gian sắp tới.

                                                                                  Theo Chinhphu.vn