
Bộ Tài chính lý giải tại sao phải điều chỉnh giá điện, xăng dầu
- Trợ giúp pháp lý
- Tháng Hai 28, 2011
- 85

Sự cần thiết phải điều chỉnh giá
Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, trong năm 2010, giá điện và giá xăng dầu được giữ bình ổn và ở mức thấp do không tính đủ các chi phí đầu vào, vẫn còn bao cấp về giá cho toàn xã hội. Tình hình đó đã làm cho doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn (thua lỗ), làm méo mó hệ thống giá chung, gây ra tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới diễn biến phức tạp Vì vậy, cần phải điều chỉnh giá theo nguyên tắc chung là: điều chỉnh có mức độ để xóa bao cấp một bước về giá điện, giá xăng dầu, dần tiến tới cơ chế giá thị trường vào khoảng năm 2012; tránh đảo lộn kinh tế vĩ mô; thực hiện điều chỉnh giá đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về giá. Quan điểm này đã được thể hiện rõ trong văn bản “Một số thông tin về công tác điều hành giá điện, xăng dầu năm 2011” vừa được Bộ Tài chính ban hành sáng nay, 24/2/2011. Đối với giá điện: Áp dụng mức giá điện hiện hành đã khiến cho tình hình tài chính của ngành điện gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến 31/12/2010, các chi phí chưa tính đủ vào giá điện còn treo lại 27.917 tỷ đồng (gồm chi phí tiếp nhận điện hạ áp nông thôn từ 2010 trở về trước: 1.282 tỷ đồng; lỗ do phát điện giá cao 2010: 8.596 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá của tổng dư nợ ngoại tệ: 17.321 tỷ đồng; chi phí vận hành bảo dưỡng và chi phí công suất của nhà máy điện Cà Mau các năm 2008 – 2009: 720 tỷ đồng). Nếu năm 2011 không điều chỉnh giá điện thì ngành điện sẽ lỗ thêm 29.500 tỷ đồng (không tính lợi nhuận ngành Điện và giá than chỉ bằng 63 – 68% giá thành than 2010, chưa kể giá dầu sẽ điều chỉnh). Nếu tính đủ các chi phí đầu vào thì giá điện phải tăng 62%. Tuy nhiên, đây là mức tăng quá cao. Bộ Tài chính cho rằng cần điều chỉnh giá từ năm 2011 để ngành Điện không lỗ thêm trên cơ sở: chưa tính đủ chi phí mới phát sinh, trong đó tỷ giá vẫn tính 19.500VNĐ/USD; lùi thời gian khấu hao tài sản ngành điện (Nhà nước hỗ trợ; số lỗ đến 31/12/2010 tạm thời “khoanh lại” xử lý dần vào các năm sau qua giá; giá than bán cho sản xuất điện chỉ tăng 5% – giá than bán cho điện chỉ bằng 28 – 32% giá than xuất khẩu; tạm thời chưa áp dụng thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện năm 2011). Với nguyên tắc trên, mức giá điện lựa chọn điều chỉnh tăng bình quân 165 đồng/KWh, bằng 24,3% so mức đáng lẽ phải điều chỉnh (chưa tính đến các chi phí đầu vào có khả năng tiếp tục biến động trong thời gian tới). Đối với giá bán điện sinh hoạt, 50KW đầu điều chỉnh lên bằng giá thành điện (từ 600 đồng lên 1.242 đồng/KWh) để giảm bao cấp tràn lan, chỉ thực hiện bù giá cho hộ nghèo theo tiêu chí mới với số tiền 30.000 đồng/tháng/hộ (bằng khoảng 50% giá thành điện, tương đương với mức chênh lệch tăng giá). Trường hợp nếu hộ nghèo sử dụng tiết kiệm điện (<50kwh/tháng) thì số tiền hỗ trợ tiết kiệm được dùng chi tiêu vào việc khác. Dự báo giá điện tăng 165 đồng/KWh sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 khoảng 0,38% (chưa tính được tác động của các vòng tiếp theo và yếu tố tâm lý). Do giá xăng, dầu trong thời gian tới có khả năng cao hơn mức dự kiến, các chi phí về nhiên liệu khác với dự kiến trong điều chỉnh giá điện ngày 1/3/2011 sẽ được đưa vào kỳ điều chỉnh giá điện tiếp theo trong năm 2011 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế điều chỉnh giá điện tự động. Đối với giá xăng dầu: Giá xăng, dầu thế giới năm 2010 tăng 28,7% so với giá bình quân của năm 2009 và đầu năm 2011 tiếp tục vận động theo xu hướng tăng, nhưng giá xăng dầu trong nước thời gian đó được điều hành cơ bản là bình ổn thông qua việc Nhà nước 6 lần điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu (từ 20% xuống 0% tính thành tiền đến nay khoảng 10.089 tỷ đồng; 4 lần cho doanh nghiệp sử dụng Quỹ Bình ổn giá (viết tắt là Quỹ BOG) để bù đắp giá vốn cơ sở tăng cao hơn so với giá bán hiện hành với số tiền đến nay khoảng: 6.396 tỷ đồng và hiện nay số dư Quỹ BOG đã hết. Do giá xăng dầu được giữ bình ổn nên giá xăng trong nước đang thấp hơn giá xăng của Lào khoảng 8.000 đồng/lít và của Campuchia khoảng 7.100 đồng/lít, của Trung Quốc khoảng 6.100 đồng/lít. Điều này làm cho tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới diễn biến hết sức phức tạp. Năm 2011, nhiều dự báo cho rằng nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn có những tín hiệu tăng trưởng khả quan, nhu cầu dầu mỏ tiếp tục gia tăng; cộng thêm tình hình thiên tai, lũ lụt ở các quốc gia lớn trên thế giới, tình hình bất ổn về chính trị ở Trung Đông, Châu Phi… sẽ có tác động làm giá cả nói chung, giá dầu nói riêng biến động tăng. Trong khi tổng nguồn cung dầu mỏ của các nước không thuộc OPEC (sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC chiếm xấp xỉ 65% sản lượng dầu mỏ của toàn cầu trong năm 2010) sẽ giảm khoảng 250.000 thùng/ngày, chủ yếu do sản lượng dầu mỏ ở Biển Bắc, Bắc Mỹ và nguồn cung từ Nga giảm. Như vậy, sẽ có khả năng mất cân đối ở mức độ nhất định giữa nguồn cung cấp và nhu cầu sử dụng về dầu mỏ trên toàn cầu trong năm tới. Mặt khác, sự biến động của đồng đô la Mỹ cũng là một trong những nhân tố chính dẫn tới những thay đổi trên thị trường dầu mỏ. Do giá xăng dầu thị trường thế giới sẽ tiếp tục giao động ở mức cao trong thời gian tới; hơn nữa các giải pháp tài chính đã được sử dụng hết và tiềm lực không còn vì thuế đã giảm về 0%, Quỹ BOG đã sử dụng hết; đồng thời để khắc phục hiện tượng gian lận thương mại trên đây …, thì việc điều chỉnh giá là cần thiết. Nếu tính đủ chi phí, tính đủ thuế và không sử dụng Qũy BOG thì phải điều chỉnh giá hiện hành tăng thêm đối với xăng: 6.493 đồng/lít; điêzen: 6.260 đồng/lít; dầu hoả: 6.692 đồng/lít; madut: 4.334 đồng/kg. Đây là mức tăng quá cao, do đó trước mắt cần điều chỉnh giá một bước giảm bao cấp trên cơ sở: Nhà nước vẫn giữ mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% (Ngày 23/02/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2001/TT-BTC điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu dầu hoả, dầu madut từ 2% xuống 0% và tiếp tục duy trì thuế suất thuế nhập khẩu ở mức 0% đối với mặt hàng xăng và điêden, có hiệu lực từ ngày 24/02/2011); doanh nghiệp không có lãi và không sử dụng Quỹ BOG. Với nguyên tắc đó thì mức giá lựa chọn điều chỉnh tăng giá như sau: + Xăng: 2.900 đồng/lít (bằng 44,66% mức đáng lẽ phải điều chỉnh – chênh lệch giá cơ sở tính đủ và giá bán hiện hành). + Điêzen: 3.550 đồng/lít (bằng 56,71% mức đáng lẽ phải điều chỉnh – chênh lệch giá cơ sở tính đủ và giá bán hiện hành).. + Dầu hoả: 3.100 đồng/lít (bằng 46,32% mức đáng lẽ phải điều chỉnh – chênh lệch giá cơ sở tính đủ và giá bán hiện hành). + Dầu madút: 2.110 đồng/kg (bằng 48,70% mức đáng lẽ phải điều chỉnh – chênh lệch giá cơ sở tính đủ và giá bán hiện hành). Với mức điều chỉnh trên đây, giá xăng trong nước vẫn thấp hơn giá xăng của Lào khoảng 5.100 đồng/lít và của Campuchia khoảng 4.200 đồng/lít, của Trung Quốc khoảng 3.200 đồng/lít Bộ Tài chính ước tính giá xăng dầu tăng như trên sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 0,65% (chưa tính được tác động của vòng tiếp theo và yếu tố tâm lý). Việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng, dầu như trên làm tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận của các ngành sản xuất, tuy nhiên, việc tăng giá các nhóm hàng hoá nói trên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác (cung cầu nhóm hàng hoá trên thị trường…). Sau bước điều chỉnh trên, từ quý II/2011 trở đi, sẽ tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước: nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục mức thuế nhập khẩu, sau đó thực hiện giảm giá bán (nến có điều kiện). Có giải pháp hạn chế tác động tiêu cực Bộ Tài chính cũng đã đề xuất một số giải pháp hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu. Cụ thể, các Bộ, Ngành, Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW: Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ: tăng cường công tác quản lý thị trường, có các biện pháp cụ thể (hành chính, kinh tế), không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện, giá các loại dầu để tăng giá các sản phẩm một cách không hợp lý, trái pháp luật. Thực hiện triệt để chủ trương về tiết kiệm chi phí xăng dầu trong tất cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đảng, đoàn thể và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo cụ thể các doanh nghiệp có biện pháp quyết liệt cải tiến công nghệ, đổi mới quản lý, tiết kiệm, chống lãng phí, tăng năng suất, hạ giá thành để khắc phục khó khăn do giá “đầu vào” tăng và để góp phần kiềm chế việc tăng giá đầu ra. Chủ động tăng cường công tác thông tin và thanh tra, kiểm tra giá trên địa bàn. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tiếp nhận kinh phí hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, tổ chức hỗ trợ kịp thời cho các hộ nghèo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương: Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, tăng cường kiểm soát cung – cầu các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Chỉ đạo Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp các đơn vị chức năng tại địa phương kiểm tra việc thực hiện giá bán các loại xăng, dầu tại địa phương, gắn việc kiểm tra giá bán với kiểm tra bảo đảm chất lượng và đơn vị đo lường hàng hóa tương ứng với giá bán, kịp thời phát hiện những sai phạm và xử lý trong phạm vi quyền hạn của mình theo quy định hiện hành hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính: Trước mắt, tiếp tục duy trì thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu 0%. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, tiết kiệm chi tiêu công; Chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương để giảm tối đa chi phí điện, xăng dầu,…, không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung ứng đủ ngoại tệ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối để nhập khẩu đủ xăng dầu đáp ứng cho nhu cầu trong nước…