
Công nghiệp Nghệ An 2010 khởi sắc nhiều ngành nghề
- Tin tổng hợp
- Tháng Mười Một 22, 2010
- 69
Những năm qua tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm tới phát triển công nghiệp. Riêng năm 2010 bằng những bước đi sáng tạo, linh hoạt và nhiều chính sách ưu tiên phát triển, ngành công nghiệp Nghệ An đã có nhiều khởi sắc.
Với tổng giá trị sản xuất đạt 8.450 tỷ đồng, trong năm 2010 giá trị công nghiệp của Nghệ An đã tăng gấp 6,4 lần so với năm 2001 và tăng 18,6% so với năm 2009, đạt 101% kế hoạch. Cơ cấu ngành công nghiệp cũng có nhiều bước chuyển như chuyển từ đa ngành, manh mún sang hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực (sản xuất xi măng, mía đường, bia, điện, chế biến lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản…).
Các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm thủy sản, khai thác chế biến khoáng sản, công nghiệp cơ khí cũng có nhiều bước thay đổi để phù hợp với điều kiện sản xuất, thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong đó, ngành công nghiệp khai thác đã hình thành mũi công nghiệp chế biến đá trắng có giá trị xuất khẩu, công suất gần 1.000.000 tấn/năm.
![]() |
Khu công nghiệp Hoàng Mai đang được đầu tư xây dựng |
Công nghiệp chế biến nông sản, hải sản, lâm sản có sản lượng ổn định với năng suất hàng chục ngàn tấn/năm. Ngành sản xuất vật liệu xây dưng phát triển nhanh cả về quy mô sản phẩm, hiệu quả kinh tế và trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh với tổng công suất các nhà máy xi măng đạt 5,38 triệu tấn/năm gấp 5 lần so với giai đoạn 2001 – 2005….
Để đạt được kết quả đó, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn. Với tổng đầu tư trên 100 tỷ đồng, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã hình thành 2 cụm công nghiệp. Trong đó tập trung phát triển các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế Đông Nam, và 8 khu công nghiệp mới được Chính phủ đưa vào quy hoạch với tổng diện tích 2.860 ha.
Riêng khu công nghiệp Bắc Vinh 60 ha, cơ bản đã lấp đầy diện tích với 23 dự án, có 16 dự án đã đi vào sản xuất; khu công nghiệp Nam Cấm 327 ha, cơ bản đã lấp đầy với 52 dự án, đã có 22 dự án đã đi vào sản xuất. Giá trị sản xuất ở các cụm công nghiệp này đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng, chiếm 11.9 % giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, nhờ triển khai thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp phát triển như ban hành hệ thống cơ chế chính sách phát triển trên các lĩnh vực với những cơ chế khuyến khích đầu tư thông thoáng bằng ưu đãi về đơn giá thuê đất, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ đào tạo nghề; tạo điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông để phục vụ sản xuất… nên các sản phẩm mũi nhọn đều tăng nhanh, nhất là các sản phẩm trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, chế biến bột đá, thiếc, sản xuất xi măng…
Trong đó, thiếc đạt 2.200 tấn; than 25.000 tấn; đá xây dựng 3,5 triệu m3; đá trắng các loại 380.000 tấn; đường kính 80.000 tấn; chè 8.000 tấn; sữa chế biến 30 triệu lít; tinh bột sắn 30.000 tấn; xi măng 1,7 triệu tấn; gạch 600 triệu viên; phân bón các loại 100.000 tấn… Đặc biệt, năm 2010 Nghệ An đã phát triển chăn nuôi bò sữa theo công nghệ hiện đại với quy mô lớn tại huyện Nghĩa Đàn và bắt đầu xây dựng nhà máy sữa hiện đại nhất Đông Nam Á.
![]() |
Sản xuất vật liệu xây dựng ở công ty khai thác đá Hoàng Mai. |
Trong công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, từng bước mở rộng và đầu tư chiều sâu các nhà máy chế biến ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Nam Cấm. Trong công nghiệp chế biến, tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía, đảm bảo sản lượng đường sản xuất ổn định 16 vạn tấn/năm; nâng công suất các nhà máy chè, đi đôi với tổ chức tốt vùng nguyên liệu để đạt sản lượng 12.000 tấn chè búp khô, trong đó chú trọng phát triển chè chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các làng nghề ở các huyện xã theo quy hoạch đã được phê duyệt để phấn đấu đến năm 2015 giá trị xuất khẩu đạt 18 triệu USD…
Hiện Nghệ An đang huy động khoảng 50.000 tỷ đề đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng đến đầu tư hạ tầng kỹ thuật như triển khai các hạng mục hạ tầng của khu kinh tế Đông Nam, khu công nghiệp Đồng Hồi, khu công nghiệp Hoàng Mai, khu công nghiệp Nghĩa Đàn và các khu công nghiệp nhỏ.
Triển khai nạo vét luồng vào cảng Cửa Lò để tàu một vạn tấn đầy tải ra vào thường xuyên; đầu tư nâng cấp cảng nước sâu Cửa Lò, càng Đông Hồi; nâng cấp mở rộng sân bay Vinh; tiếp tục xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các trục đường chính miền Tây và các công trình trọng điểm như tuyến đường Hoàng Mai nối thị xã Thái Hoà, đại lộ Vinh – Cửa Lò, đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò, đường nối Nam Cấm – Đô Lương – Tân Kỳ; cầu Yên Xuân (Hưng Nguyên), đường nối quốc lộ 48 – quốc lộ 35 Thanh Hoá…Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và ban hành các chính sách đầu tư, phát triển nguồn nhân lực , KHCN, bảo vệ môi trường, tăng cường khuyến khích phát triển xuất khẩu.
Theo Baonghean