
Tội vạ túi nhựa xốp
- Tin thương mại
- Tháng Mười Một 11, 2010
- 75
Hiện nay, danh mục hàng công nghiệp của Việt Nam có đến hàng chục ngàn sản phẩm và hầu như sản phẩm nào cũng có thể trực tiếp hay gián tiếp gây hại cho môi trường. Trong đó, không ít sản phẩm rất nguy hại cho cả môi trường tự nhiên lẫn sức khỏe con người, chẳng hạn như ắc quy chì, các loại pin, thuốc trừ sâu, mực in, thuốc nhuộm, hóa chất sử dụng trong bóng đèn huỳnh quang… Thế nhưng dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường, hiện đang được thảo luận tại Quốc hội, lại chỉ xem xét đánh thuế có tám loại. Chính vì đối tượng chịu thuế hạn hẹp như vậy, nên Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ khó có thể phát huy được mục tiêu chính là bảo vệ môi trường.
Điều đáng nói là trong tám mặt hàng kể trên, gồm: xăng, dầu, mỡ nhờn; than, dung dịch HCFC (chất làm suy giảm tầng ozon), túi xốp; các thuốc diệt cỏ, trừ mối, bảo quản lâm sản, khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng, ngoại trừ túi nhựa xốp có mức thuế đến 30.000-50.000 đồng/ki lô gam, hầu hết còn lại chỉ bị đánh thuế rất nhẹ. Riêng xăng, dầu, tuy khung thuế có khá cao, nhưng bù lại, khi luật này được thông qua và có hiệu lực, thì khoản phí xăng, dầu đang thu hiện nay cũng được bãi bỏ.
Riêng với túi xốp, sản phẩm này cũng chỉ là một phần trong thế giới của bao bì nói chung. Nếu nói túi nhựa xốp (túi PE) khó phân hủy, gây tắc nghẽn cống rãnh và ô nhiễm thì các loại túi PP, bao bì màng phức hợp, vỏ chai lọ nhựa, hộp tráng thiếc đựng sữa và các loại thức uống khác… còn khó phân hủy và dễ gây tắc nghẽn cống rãnh hơn. Hơn nữa, nếu thay túi nhựa xốp bằng túi giấy hoặc loại bao bì sinh học, như một số người đề xuất, thì cũng giống như thay dạng ô nhiễm này bằng dạng ô nhiễm khác nguy hại hơn. Một số nghiên cứu ở Đức đã chứng minh, nếu xét cả quá trình từ tạo nguyên liệu, sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ thì túi nhựa xốp ít gây ô nhiễm môi trường nhất, do quá trình sản xuất, vận chuyển ít tiêu tốn năng lượng hơn. Việc thay thế chỉ thực sự có hiệu quả về môi trường, nếu người dân chấp nhận trở lại thói quen thời xa xưa là gói bằng lá cây!
Hơn nữa, nếu bị đánh thuế, giá túi nhựa xốp của Việt Nam tăng lên 2-3 lần, chắc chắn túi xốp nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan sẽ tràn vào. Khi ấy, chẳng những ngành sản xuất túi nhựa xốp trong nước tiêu vong, mà mục tiêu hạn chế sử dụng sản phẩm này cũng khó mà đạt được. Ngoài ra, cũng phải nói thêm tác hại do túi nhựa xốp gây ra chủ yếu do hành vi thiếu trách nhiệm của người dùng, không phải lỗi của cái túi.
Cũng xin nhắc lại, mục tiêu chính của dự luật là định hướng hành vi của người tiêu dùng, góp phần hạn chế tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Nhưng với đối tượng chịu thuế quá hạn hẹp, mức thuế tuyệt đối lại thấp nên có thể thấy trước khả năng đạt được mục tiêu là không đáng kể.
Thời gian qua, vấn đề thay túi nhựa xốp bằng bao bì sinh học tự hủy hoặc bao bì giấy được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không phải thay sản phẩm này bằng sản phẩm khác, mà là tìm ra giải pháp hạn chế nhu cầu tiêu thụ sản phẩm không thân thiện với môi trường, nâng cao trách nhiệm của người dân để không xả rác bừa bãi và nhất là phải có cơ chế để thu hồi nhằm tái chế các loại rác có thể tái sử dụng. Đó mới là mục đích phải có của dự luật.
TheoTBKTSG