Nghị định 51: Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nộp thuế

Nghị định 51: Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nộp thuế

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/ NĐ-CP của Chính phủ về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ đang trong quá trình góp ý hoàn thiện. Theo dự kiến, thông tư này sẽ được ban hành ngay trong tháng 8 để doanh nghiệp kịp thời thiết kế mẫu hóa đơn, trước khi bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

 

Một bước cải cách thủ tục hành chính về thuế

 Theo ông Cao Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế, Dự thảo Thông tư quy định, các doanh nghiệp thành lập trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động sản xuất – kinh doanh; DN có mức vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên; các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được cấp mã số thuế, không bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế mà tổng số tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế từ 20 triệu đồng trở lên trong vòng 365 ngày tính liên tục từ ngày thông báo phát hành hóa đơn tự in trở về trước… đều được in hoá đơn để sử dụng. Như vậy, theo ước tính, cả nước sẽ có khoảng 350.000 DN, thậm chí còn nhiều hơn, được in hoá đơn để sử dụng.

 Theo bà Vũ Thị Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nếu như trước đây, vào những ngày hạn nộp tờ khai, người mua hoá đơn phải xếp hàng chờ và thực hiện các thủ tục khác đóng mã số thuế lên tờ liên hai của hoá đơn mất thời gian thì theo Nghị định 51, các DN được hoàn toàn chủ động tự in và đặt in hoá đơn, được chủ động tự thiết kế mẫu. Như vậy, DN có thể tự đưa thêm các thông tin của DN mình lên trên mặt tờ hoá đơn như logo, slogan để quảng bá cho DN… DN cũng không phải đến đăng ký trực tiếp với cơ quan thuế mà chỉ cần thông báo phát hành và gửi mẫu hoá đơn tới cơ quan thuế 10 ngày trước khi phát hành…

 Đánh giá về Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 51/2010/NĐ-CP, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế – VCCI cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp được tự in tất cả các loại hoá đơn và các loại chứng từ khác có tính chất tương tự như hoá đơn là cam kết của Bộ Tài chính trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, nhằm tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

 Vẫn còn vướng mắc

 Theo đại diện nhiều DN, hiện nay cơ quan thuế quản lý hoá đơn rất chặt, nhưng tình trạng gian lận hoá đơn, buôn bán hoá đơn bất hợp pháp (đặc biệt là hoá đơn giá trị gia tăng) nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách vẫn diễn ra tại hầu hết các địa phương và có xu hướng ngày càng phức tạp. Việc cho phép DN tự in hoá đơn, nếu không có chế tài quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước thì tình trạng gian lận hoá đơn rất khó có thể kiểm soát; nếu cho phép DN in hóa đơn điện tử có thể xảy ra tình trạng hóa đơn giả rất nhiều và cuối cùng là DN đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo đại diện công ty TNHH Luật VLC, việc quản lý hoá đơn theo quy định mới khá “thoáng”, nếu không có biện pháp quản lý hữu hiệu thì tình trạng trốn thuế sẽ gia tăng.

 Theo TS Nguyễn Văn Tuyến, Đại học Luật Hà Nội, cần thống nhất một nguyên tắc chung trong việc tạo hóa đơn. Mọi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ để có quyền tự quyết định về việc lựa chọn loại hóa đơn (ví dụ hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn thông thường, hóa đơn xuất khẩu, các loại hóa đơn đặc thù khác…) và phương thức tạo hóa đơn ( như tự in, đặt in, mua của cơ quan thuế). Nhà nước không nên khống chế tổ chức, cá nhân chỉ được tạo và sử dụng hóa đơn như quy định nêu trong khoản 3 Điều 5 của dự thảo thông tư, vì trong thực tế một tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể bán nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau và đòi hỏi phát hành nhiều loại hóa đơn khác nhau.

 Ngoài ra, theo TS Tuyến, cần có quy định rõ hơn về hiệu lực pháp lý của hóa đơn và thời điểm phát sinh hiệu lực pháp lý của hóa đơn, vì có thể có sự nhầm lẫn về hiệu lực pháp lý giữa hóa đơn đã công bố nhưng chưa sử dụng với hóa đơn đã phát hành và đã sử dụng khi giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ.

 Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam phân tích, việc quy định DN có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên mới được in hoá đơn là chưa phù hợp, bởi trên thực tế, không phải DN có vốn điều lệ lớn thì sử dụng hoá đơn nhiều và ngược lại. “Những DN kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm chỉ có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, nhưng mỗi tháng phải sử dụng hàng chục quyển hoá đơn, trong khi DN kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản có vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng, nhưng mỗi năm chỉ sử dụng 1 – 2 cuốn hoá đơn”, ông Tiền nói.

 Bên cạnh đó, theo ông Tiền, việc quy định trên tờ hoá đơn bắt buộc phải ghi địa chỉ của người bán sẽ gây thiệt hại cho DN, bởi đa số DN hiện nay phải thuê trụ sở, nếu phải thay đổi địa chỉ thì bắt buộc DN phải hủy toàn bộ hóa đơn đã in. “ Trên tờ hóa đơn chỉ cần in tên và mã số thuế của DN, còn địa chỉ thì cho phép DN khắc dấu và đóng vào hóa đơn hoặc in từ máy tính khi phát hành. Khi đó, nếu DN có chuyển trụ sở thì vẫn có thể sử dụng được hóa đơn đã đặt in”, ông Tiền đề nghị.

 Theo lời khuyên của bà Mai, DN cần nghiên cứu kỹ Nghị định, xác định lựa chọn hình thức tự in hay đặt in hoá đơn; thiết kế, số lượng hóa đơn, dự thảo hợp đồng in hóa đơn, thông báo phát hành hoá đơn… Dự kiến, chi tiết cụ thể trên mẫu hoá đơn sẽ được hướng dẫn trong thông tư của Bộ Tài chính ban hành vào cuối tháng 8 và trong tháng 9, các DN sẽ được tập huấn về vấn đề này. Nếu các công việc trên được chuẩn bị sớm, DN sẽ chủ động hơn rất nhiều.

Theo VCCI