“Nghệ An có khá nhiều lợi thế để trở thành một tỉnh mạnh về phát triển CNTT” – đó là ý kiến của GS. TSKH Đỗ Trung Tá- Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT tại cuộc Hội thảo: “Xác định khả năng phát triển CNTT thành ngành kinh tế mũi nhọn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An” diễn ra vào đầu tháng 6-2010 tại TP Vinh.
Hạ tầng phát triển nhanh, vững chắc
Chưa bao giờ hoạt động CNTT-TT ở tỉnh ta lại sôi động như hiện nay. Trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp được cấp phép phát triển hạ tầng mạng đều có mặt và triển khai các dự án hạ tầng với tốc độ lớn. Chưa đầy 5 năm đã có trên 300 dự án hạ tầng CNTT-TT do các doanh nghiệp đầu tư được thực hiện với tổng kinh phí trên 1.500 tỷ đồng, trong đó Viettel gần 600 tỷ đồng; viễn thông Nghệ An trên 700 tỷ đồng; viễn thông Điện lực 100 tỷ đồng; các doanh nghiệp khác 100 tỷ đồng.
Nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh ta đã có 1.800 trạm phát sóng di động BTS, tốc độ tăng trưởng trên 70%/năm; mạng cáp quang đạt gần 3.000 km với tốc độ truyền dẫn tăng từ 622 Mbps lên 10 Gbps và kết thành 10 mạch Ring quan trọng đối với địa bàn các huyện trong tỉnh, đảm bảo việc truyền dẫn thông tin liên lạc luôn được thông suốt. Dịch vụ Internet băng thông rộng tăng trưởng với tốc độ kỷ lục, từ 591 thuê bao năm 2005 lên 65.762 thuê bao.
 | Giao lưu trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh, thành phố. |
Toàn tỉnh hiện có trên 200 điểm cung cấp dịch vụ băng thông rộng với gần 100 ngàn cổng kết nối. Hạ tầng CNTT-TT phát triển nhanh và có chất lượng cao đã nhanh chóng đưa điện thoại đến 100% xã vùng sâu, vùng xa, kể cả những vùng chưa có điện lưới quốc gia, đưa mật độ thuê bao điện thoại lên 66,9 thuê bao/100 dân, vượt xa chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh XVI đề ra. Thuê bao Internet quy đổi tăng từ 0,3 năm 2005 lên 18,9 thuê bao/100 dân, với tổng số máy tính tăng từ 90 ngàn lên 300 ngàn máy.
Dồi dào nguồn nhân lực
Trường Đại học Vinh được xem là đơn vị hàng đầu có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo CNTT không chỉ cho Nghệ An mà cả khu vực. Không những đào tạo các sinh viên hệ chính quy tập trung tại trường, mà trường còn liên kết với các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện kinh tế quân sự đào tạo hệ cao đẳng và triển khai các chương trình đào tạo theo hợp đồng, chương trình dự án với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trường có quy mô trên 2000 sinh viên CNTT, hàng năm có khoảng 500 kỹ sư CNTT tốt nghiệp ra trường. Nhiều sinh viên của trường đã được nhận ngay vào các doanh nghiệp CNTT viễn thông lớn, các ngân hàng và đã phát huy được năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc.
 | Đào tạo CNTT tại Trung tâm CNTT tỉnh. |
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, trường đại học Vạn Xuân, trường Đại học Kỹ thuật Vinh và các trường cao đẳng, trung học khác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Theo tính toán, hàng năm các cơ sở đào tạo ở Nghệ An cho ra trường trên 800 kỹ sư, cử nhân Tin học, khoảng 4000 kỹ thuật viên về CNTT. Đây là nguồn nhân lực rất lớn không những cung cấp cho tỉnh mà còn cho cả khu vực, hứa hẹn sẽ tạo động lực phát triển cho ngành CNTT tỉnh nhà trong tương lai.
Đẩy mạnh ứng dụng
CNTT-TT ở tỉnh ta trong những năm gần đây đã xâm nhập vào tất cả các ngõ ngách của cuộc sống. CNTT-TT đã từng bước làm thay đổi thói quen làm việc cũ, chuyển dần sang phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp và minh bạch. Trong hệ thống các cơ quan Đảng, Chính quyền và các ngành đều đã đưa các phần mềm chuyên ngành ứng dụng vào xử lý công việc, như phần mềm kế toán, quản lý văn bản, cơ sở dữ liệu Đảng viên, làm thẻ Đảng….
Nhiều phần mềm chuyên ngành được áp dụng triển khai ở các ngành như: Thuế; Bảo hiểm xã hội; Xây dựng; Tài nguyên & Môi trường; Giao thông vận tải; Kho bạc; Tài chính; Hải quan, Ngân hàng; Điện lực; Bưu chính; Viễn thông…Việc triển khai các dịch vụ và phần mềm ứng dụng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tại các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Đặc biệt, phần mềm “Văn phòng điện tử” được triển khai tại nhiều đơn vị : Sở TT&TT, KHCN, TN&MT, NN&PTNT, GTVT, Trường Chính trị, Cao đẳng Y tế…; Phần mềm hiện đại hoá trung tâm giao dịch “một cửa” triển khai tại 03 đơn vị (UBND TP Vinh, TX Cửa Lò, huyện Anh Sơn) đang làm thay đổi tác phong làm việc tại các cơ quan công quyền. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã lựa chọn 4/11 dịch vụ công trọng điểm “Đăng ký cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh”; “Đăng ký cấp phép xây dựng”; “Đăng ký cấp phép quyền sử dụng đất”; “Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự” đưa vào vận hành trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hệ thống thư điện tử bước đầu được triển khai, văn bản mời họp, mời làm việc của UBND tỉnh cơ bản được gửi qua mạng.
Có 80% cán bộ, công chức sử dụng hộp thư điện tử để trao đổi công việc qua mạng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ. Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực Công nghiệp, dịch vụ đã ứng dụng CNTT hầu hết trong các công đoạn sản xuất, quản lý, kinh doanh nên đã tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cạnh tranh, và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp đã khai thác tốt lợi ích của Internet trong tìm kiếm thông tin, quảng cáo và giao dịch thương mại điện tử. Hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh đã xây dựng Website để giới thiệu doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm. Điển hình là Công ty liên doanh mía đường Tate & Lyle, nhà máy Xi măng Hoàng Mai, Các công ty hoạt động trong Khu CN Bắc Vinh, Nam Cấm…
Triển vọng tỉnh mạnh
Nghệ An đang hội tụ nhiều điều kiện để trở thành một tỉnh mạnh về CNTT. Điều đó được thể hiện, những năm gần đây, Nghệ An đã có nhiều chính sách đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT. Ngày 04/7/2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Nghệ An đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Cùng với đó, tỉnh đã sớm phê duyệt quy hoạch phát triển Bưu chính- viễn thông; Quy hoạch phát triển ứng dụng CNTT tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cùng với các Đề án phát triển mạng viễn thông đến năm 2010; Đề án phổ cập dịch vụ điện thoại và internet cho các huyện miền Tây Nghệ An; Đề án xây dựng Vinh trở thành Trung tâm CNTT của vùng Bắc Trung bộ đã tạo điều kiện và niềm tin để các doanh nghiệp CNTT-TT lựa chọn thị trường, định hướng phát triển và đẩy mạnh đầu tư. Đặc biệt, Tỉnh đang ưu tiên phát triển các dự án: Công viên phần mềm VTC, Công viên CNTT Nghệ An và các dự án hỗ trợ vườn ươm doanh nghiệp CNTT. Các dự án ứng dụng CNTT của các cấp, các ngành cũng được quan tâm hỗ trợ.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp kinh doanh CNTT, trong đó có 170 doanh nghiệp phần cứng và dịch vụ; 15 doanh nghiệp phần mềm và 16 doanh nghiệp đào tạo CNTT. Một số doanh nghiệp đã thực hiện các công đoạn gia công phần mềm cho các công ty nước ngoài; cung cấp thiết bị, linh kiện, giải pháp phần mềm cho các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
 | Internet về thôn bản vùng cao. |
UBND tỉnh cũng đã và đang chỉ đạo thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nhân lực CNTT như thu hút thêm các trường đại học, cao đẳng, đào tạo lại, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, thu hút học sinh khá giỏi và chuyên gia trình độ cao từ ngoài tỉnh về công tác.
Có một thuận lợi nữa là, tỉnh ta được Chính phủ, Bộ TT&TT chọn là 1 trong 4 tỉnh thí điểm xây dựng chính phủ điện tử, với khoản kinh phí hỗ trợ gần 10 tỷ đồng thực hiện các dự án: “Xây dựng cổng thông tin điện tử”, “Hệ thống thông tin văn bản và điều hành”, “Hệ thống thư điện tử”, “Hệ thống giao ban điện tử trực tuyến giữa UBND tỉnh với các huyện”; Nghệ An cũng là 1 trong 3 địa phương được dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” tài trợ máy tính cho 33 điểm văn hóa xã, thư viện, trường học.
Có thể nói, với chiến lược và sự quan tâm đầu tư cho CNTT của Lãnh đạo tỉnh cùng với nguồn nhân lực tốt; có các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông và phát triển công nghiệp CNTT rất thành công; việc ứng dụng CNTT trên hạ tầng băng rộng đã được triển khai tương đối rộng rãi ở các cơ quan, ban ngành tỉnh, huyện và đang lan dần xuống thôn xã; các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư và ứng dụng CNTT đã được ban hành. Đây sẽ là những nhân tố đầy triển vọng để đưa tỉnh ta trở thành một trong những tỉnh mạnh về CNTT và truyền thông.
Theo Mạnh Hùng
|