Xài hàng Việt là đẳng cấp

Xài hàng Việt là đẳng cấp

“Dùng hàng Việt không có nghĩa là không đẳng cấp” – các đại sứ hàng Việt đã chia sẻ câu chuyện về hàng Việt trong cuộc gặp với tiểu thương miền Bắc tại Hà Nội do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Đại sứ hàng Việt – nghệ sĩ Xuân Bắc – giao lưu với tiểu thương ở Hà Nội
– Ảnh: C.V.K.

Hoa hậu Hương Giang cho biết trong khi người Việt Nam sang Singapore mua sắm, hoa hậu Singapore vẫn qua VN để shopping, “vì thế người Việt Nam không có lý do gì để không dùng, chê hàng Việt”.

Ưu tiên bán hàng nội

“Tôi đã đi nhiều nơi, phải nhìn thấy những công nhân thất nghiệp không có tiền đóng nhà trọ, không có tiền mua gạo, rồi không có tiền gửi về quê. Ở quê, có những cụ già, đứa trẻ ngơ ngác ngồi đợi ở cửa nhưng không thấy tiền cha mẹ trên thành phố gửi về. Hình ảnh đó quá thương tâm, quá xót xa.

Nên mới tự hỏi tại sao công nhân Việt Nam không có lương, tại sao Việt Nam nghèo? Làm thế nào hàng Việt Nam bán được, công nhân không thất nghiệp? – nghệ sĩ Quyền Linh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại sứ hàng Việt, đã chia sẻ như vậy để nói về lý do tự nguyện đi làm đại sứ hàng Việt – Nhiều người cứ nghĩ làm đại sứ hàng Việt cho doanh nghiệp nhiều tiền lắm. Nhưng chúng tôi làm hoàn toàn tự nguyện, không nhận chi phí nào”.

Có cơ hội đi nhiều, nghệ sĩ Quyền Linh chia sẻ thực tế tại nhiều nước, chủ quán luôn tiếp thị hàng nội địa của họ trước, khi người nước ngoài không mua họ mới giới thiệu hàng nhập ngoại khác. “Các nước giàu một phần vì thế”. Theo Quyền Linh, trong cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, các nghệ sĩ, nhà vận động chỉ đóng vai phụ, đóng vai chính là các tiểu thương, người tiêu dùng.

“Vì cơm áo gạo tiền phải bán hàng nước ngoài. Nhưng nếu cứ để hàng nước ngoài thống lĩnh thị trường thì Việt Nam khó giàu. Xin các tiểu thương cố gắng trong sạp hàng của mình có hàng Việt, các doanh nghiệp cố gắng tăng chất lượng, giảm giá để ủng hộ thượng đế của mình”.

Ra nước ngoài, “made in VN” rất nhiều

NSƯT Tạ Minh Tâm nêu một chuyện buồn: nhiều người nói không bao giờ xài hàng Việt vì không thể hiện đẳng cấp. “Để tôn vinh được hàng Việt không dễ vì nhiều bạn trẻ có xu hướng sính ngoại, ngay cả trong lĩnh vực văn hóa. Nhưng nếu người bán hàng cũng đều là đại sứ thì khác”. Trước khó khăn đó, ông Tâm bày tỏ mong mọi người đều là đại sứ để sản xuất và nền kinh tế Việt Nam ngày càng mạnh hơn.

Nghệ sĩ Thanh Thủy cho rằng quan niệm trên là thực tế buồn. Ra thế giới, “made in VN” rất nhiều. Nhiều nhà hàng Pháp sang trọng đang dùng mặt hàng gốm Việt Nam. Nên quan niệm trên vừa sai, vừa không hợp lý.

Ông Phạm Đức Hải, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng là người đi bán hàng, theo kinh nghiệm của các nước, doanh nghiệp cần đảm bảo bốn “bí quyết” để được lựa chọn: đảm bảo chất lượng, giá, có địa điểm tốt và khuyến mãi cho người tiêu dùng. Đặc biệt, ông Hải đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu thêm một yếu tố thứ năm, đó là chữ “phúc” khi bán hàng.

“Làm sao để món hàng mua được từ người sản xuất đem lại hạnh phúc cho nhà sản xuất, cho hàng ngàn công nhân và gia đình họ nhưng cũng phải đem lại hạnh phúc cho người tiêu dùng” – ông Hải nói.

Ông Hoàng Anh Tuấn, giám đốc Vinamilk chi nhánh phía Bắc, đồng ý quan điểm trên và cho rằng bản thân kinh nghiệm của Vinamilk khi đảm bảo chữ “phúc” với đầu tư cho chất lượng, như đầu tư hệ thống xe vận tải để đem sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, đầu tư hệ thống tủ lạnh lớn để đảm bảo sản phẩm sữa chua… ngay lập tức đã nhận được “quà tặng” của người tiêu dùng, đó là sản phẩm của Vinamilk sản xuất thường chỉ đứng ngoài thị trường 4-5 ngày đã được tiêu thụ hết…

Thêm hàng cho nông thôn

Nếu như trước đây, nhiều người cho rằng doanh nghiệp Việt Nam bỏ quên thị trường trong nước thì nay, theo bà Vũ Kim Hạnh – giám đốc Trung tâm BSA, điều đáng mừng là đã có nhiều doanh nghiệp không chỉ quay về thị trường nội địa mà đã thiết kế và sản xuất riêng các mặt hàng phục vụ thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nông thôn. Các doanh nghiệp, tiểu thương cũng đã có sự liên kết, hỗ trợ nhau để tăng hiệu quả, giảm chi phí trong hoạt động xúc tiến thị trường nội địa.

Điều này, theo bà Hạnh, là rất quan trọng vì nó tạo tiền đề để các doanh nghiệp liên kết tận dụng, liên kết phát triển hệ thống phân phối để cùng chiếm lĩnh thị trường nông thôn.

Theo ông Phan Văn Kiệt – phó tổng giám đốc Công ty may Việt Tiến, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng biến điều đúng ra là có lý nhưng lại đang là nghịch lý chưa làm được: hàng Việt phải chiếm đa số ở thị trường nông thôn. Theo ông Kiệt, Việt Tiến đã cho ra mắt thương hiệu mới Việt Long với giá thành vừa phải, phục vụ viên chức, sinh viên và những người thu nhập trung bình. Ở chợ huyện, xã người tiêu dùng cũng muốn dùng hàng có nguồn gốc, uy tín nhưng đa số doanh nghiệp khi đưa ra thị trường sản phẩm mới thường có khuynh hướng nhắm vào phân khúc thị trường trung cao cấp, dù phân khúc thấp chiếm tới trên 60%.

“Chúng tôi ra thương hiệu Việt Long nghĩa là Rồng Việt, chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Tiến nhưng giá mềm hơn để phục vụ người Việt, cũng là muốn chia sẻ với cộng đồng sau khó khăn suy giảm kinh tế” – ông Kiệt nói.

Phải tự hào về hàng Việt

Vừa chính thức là một trong số năm tân đại sứ hàng Việt mới, nghệ sĩ Xuân Bắc cũng phân tích hàng Việt muốn được ưu tiên thì phải đáng để ưu tiên. Nếu chấm điểm, hàng Việt được tám thì có thể ưu ái lên chín, chứ chỉ bốn thì làm sao ưu tiên được? Tân đại sứ hàng Việt, nghệ sĩ Quang Thắng cũng đánh giá nhiều mặt hàng Việt Nam giá còn cao, cần tìm cách giảm chi phí, đảm bảo chất lượng nhưng giá thành phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, hàng Việt vẫn chịu sức ép lớn. Như mặt hàng hoa quả, theo bà Hạnh, nhiều tiểu thương đang bán trái cây Trung Quốc nhưng lại nói là hàng Việt Nam.

Nghệ sĩ Thanh Thủy nêu một câu chuyện có thật vừa vui vừa buồn: có diễn viên vào cửa hàng mua quần áo, dù định mua hàng Việt nhưng lại xin chủ cửa hàng lấy nhãn hiệu nước ngoài dán vào hàng Việt. Thật buồn nhưng cũng thật vui vì chủ cửa hàng đã từ chối. Lý do được đưa ra là vì uy tín của mình, nhưng một lý do nữa là “hàng Việt Nam chất liệu đẹp, có điểm riêng về mẫu mã, không có lý do gì mà phải dùng mác khác” – nghệ sĩ Thanh Thủy kể.

                                                                                 Theo Cầm Văn Kình
                                                                                    Tuổi trẻ