Doanh nghiệp mong thực thi quy định mới

Doanh nghiệp mong thực thi quy định mới

Chinhphu.vn) – Không chỉ giúp thủ tục đăng ký thành lập DN được đơn giản, thuận tiện hơn, bớt tiêu tốn thời gian và tiền bạc, Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/6/2010 còn cho phép DN được tự lựa chọn và ghi mã ngành nghề kinh doanh, tránh trùng lẫn tên,… đặc biệt là chỉ cần 1 thao tác click chuột đã có thể làm thủ tục đăng ký thành lập DN qua mạng điện tử.

Chỉ bằng các thao tác trên máy tính, DN sẽ có thể đăng ký thành lập qua mạng điện tử

Đăng ký qua mạng điện tử

Để giảm bớt thời gian làm thủ tục của DN cũng như rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập DN, tạo thêm sự lựa chọn cho người thành lập DN khi thực hiện thủ tục đăng ký DN, Nghị định 43/2010/NĐ-CP cho phép DN có thể chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký DN tới cơ quan đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử. Kết quả đăng ký kinh doanh cũng được trả qua mạng. Hồ sơ đăng ký DN nộp qua Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia có giá trị pháp lý như hồ sơ nộp bằng bản giấy.

Trường hợp người thành lập DN chưa có chữ ký điện tử, sau khi hồ sơ đăng ký DN được chấp thuận trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia, DN sẽ tự in Giấy xác nhận nộp hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử từ Hệ thống này. Người đại diện theo pháp luật của DN ký tên vào Giấy xác nhận nộp hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử và gửi đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi DN đặt trụ sở chính để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN. Đồng thời với quy định đăng ký qua mạng, người đại diện theo pháp luật không phải ký tên trong Giấy chứng nhận đăng ký DN như quy định tại Nghị định 88 trước đây.

Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 15/4/2010, thay thế Nghị định số 88/2006/NĐ-CP. Quy định mới có hiệu lực thi hành từ 1/6/2010.

Các quy định mới này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong việc thực hiện các thủ tục gia nhập thị trường, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, phù hợp với xu hướng quản lý hiện đại của thế giới. Cách thức thực hiện thủ tục đăng ký DN qua mạng điện tử chắc chắn sẽ được nhiều DN lựa chọn sử dụng vì sự tiện lợi, cơ quan quản lý cũng giảm bớt được chi phí tiếp nhận, quản lý giấy tờ, hạn chế được tiêu cực phát sinh trong khi thực hiện các thủ tục hành chính.

DN được lựa chọn ngành nghề kinh doanh

Nhằm bảo đảm thuận lợi cho DN trong quá trình đăng ký DN và hoạt động kinh doanh, bảo đảm độ chi tiết của ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN, đồng thời hạn chế các trường hợp phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc cho DN, Nghị định 43 cho phép người thành lập DN được tự lựa chọn ngành nghề kinh doanh và ghi mã ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN và mã hóa theo ngành cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam năm 2007, trừ những ngành nghề cấm kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm đối chiếu và ghi ngành nghề kinh doanh, mã số ngành nghề kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký DN. Các Bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn DN về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh các ngành nghề đó, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ, ngành.

Quy định ghi cụ thể ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý chuyên ngành như Hải quan, Quản lý thị trường khi áp dụng các văn bản quy phạm chuyên ngành, hạn chế được các vướng mắc của DN trong thực tế khi các cơ quản lý áp dụng trong các trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, nếu ghi ngành nghề kinh doanh càng bao quát thì khả năng đáp ứng điều kiện kinh doanh của DN càng khó khăn. Nhưng thực tiễn cũng cho thấy nếu quy định ghi ngành nghề kinh doanh quá chi tiết trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khiến DN phải thường xuyên bổ sung ngành nghề kinh doanh, gây tốn kém chi phí, hạn chế sự linh hoạt của DN.

Thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được rút ngắn trong 5 ngày làm việc

Tránh trùng và nhầm lẫn tên DN

Theo quy định của Luật DN thì tên DN phải được viết bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh và tổ chức liên quan, người thành lập DN có cách hiểu và vận dụng khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc đặt và đăng ký tên DN. Nghị định này quy định tên DN phải viết được bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được và bao gồm 2 thành tố: loại hình DN và tên riêng của DN. Riêng tên của tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Khắc phục tình trạng trùng, nhầm lẫn tên DN do Nghị định 88 trước đây không cấm việc trùng và nhầm lẫn tên DN giữa các tỉnh khác nhau, Nghị định mới quy định việc chống trùng và nhầm lẫn tên DN trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua có rất nhiều trường hợp DN trùng tên hoặc tên gây nhầm lẫn, nên việc thực hiện quy định mới cần có thời gian thực hiện việc đổi tên.

Cũng để tránh việc các DN phải mất thời gian làm thủ tục đổi tên, Nghị định cho phép các DN đã đăng ký tên DN phù hợp với quy định tại Nghị định 88 nhưng có tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên DN khác không bị buộc phải đổi tên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ công bố trên Cổng thông tin DN Việt Nam danh sách các DN có tên trùng và gây nhầm lẫn, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên DN. Nghị định cũng bổ sung quy định về việc đặt tên DN phù hợp với các quy định về sở hữu công nghiệp, nguyên tắc xử lý khi tên DN được đặt vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý.

Các quy định này nhằm giải quyết tình trạng trùng lặp, nhầm lẫn trong việc đăng ký tên DN trong thời gian qua. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này cần có thời gian để các DN Việt Nam hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký tên DN của mình và tự giác thực hiện theo các quy định pháp luật.

Thống nhất mức nộp lệ phí đăng ký DN trong phạm vi toàn quốc

Theo Nghị định 88, Hội đồng nhân dân các tỉnh quy định mức lệ phí đăng ký kinh doanh áp dụng cho tỉnh mình. Quy định này dẫn đến việc quy định mức lệ phí đăng ký kinh doanh không thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, tạo tâm lý không tốt cho người thành lập DN.

Nghị định mới giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn mức lệ phí đăng ký DN để thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc và bổ sung quy định người thành lập DN phải nộp lệ phí đăng ký DN tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký DN.

Đăng ký DN trong một số trường hợp cụ thể

Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá 10 lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh, chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. Hộ kinh doanh có sử dụng thường xuyên hơn 10 lao động phải chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức DN.

Đối với các trường hợp: chia tách, hợp nhất, sáp nhập, đăng ký chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đăng ký thay đổi chủ DN tư nhân do chuyển nhượng, tặng cho, đăng ký thay đổi thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ đông sáng lập công ty cổ phần do tặng cho phần vốn góp, cổ phần Nghị định 43 quy định cụ thể hồ sơ, thủ tục của từng trường hợp để các DN có thể dễ dàng thực hiện thủ tục mà không cần phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, cơ quan đăng ký DN không mất nhiều thời gian hướng dẫn như trước đây./.

Bài phân tích của TS. Đinh Dũng Sỹ, Chuyên viên Phạm Thúy Hạnh,

Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ