
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đức Tố – Một đời vì ước mơ trẻ thơ
- Công tác từ thiện
- Tháng Tư 7, 2010
- 118
Trong hành trình nhân ái của mình, ông đã ấp ủ khát vọng về những ước mơ cho trẻ em tật nguyền, cho ngành y tế nước nhà. Khát vọng đau đáu ấy đã trở thành hiện thực khi bệnh viện ngoại khoa và chấn thương chỉnh hình tư nhân do Ông sáng lập ra đời với những câu chuyện cảm động giữa thời buổi kinh tế thị trường ngỡ như mọi tình cảm đều có thể được đo đếm bằng vật chất và tiền bạc .
[Only registered and activated users can see links]
Bác sĩ Lê Đức Tố và vợ trong chương trình Người Đương Thời của VTV
Khát vọng tiên phong, cống hiến
Câu chuyện về tiến sĩ Lê Đức Tố(Ủy viên Trung ương Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam, Trưởng ban y tế Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hồ Chí Minh, Giám đốc bệnh viện STO Phương Đông) là một câu chuyện dài, cảm động in đậm trong ký ức của nhiều người ở mọi miền đất nước. Tôi biết và quen bác sĩ Tố đã ngót 20 năm, khi ấy ông đã là một bác sĩ nổi tiếng về chấn thương chỉnh hình và được mọi người ví ông như là “ông tiên” của trẻ khuyết tật.
[Only registered and activated users can see links]
Bác sĩ Tố với các em tật nguyền đã được điều trị
Sinh ra và lớn lên ở huyện Yên, Mô, tỉnh Ninh Bình, năm 1974, khi đất nước còn chưa thống nhất, giảng viên trẻ Lê Đức Tố là người duy nhất của Đại học y Thái Bình được Nhà nước cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ. Năm 1979, nghiên cứu sinh trẻ Lê Đức Tố đã tốt nghiệp xuất sắc và trở thành phó tiến sĩ y khoa đầu tiên của Việt
Trở về nước, bác sĩ Lê Đức Tố đã tạo những bước tiến dài cho ngành y học chấn thương chỉnh hình nước nhà. Ông là người đầu tiên áp dụng hàng loạt kỹ thuật y khoa mới, tiên tiến ở điều kiện thể trạng con người Việt Nam theo phương pháp Ilizarov của Liên Xô nhằm phục hồi chức năng vận động cho những người khuyết tật do bại liệt, bại não, di chứng chấn thương, tật xẻ bàn, kéo dài chi; điều trị thành công những ca bị co rút khớp chân, hàn khớp trục cổ chân, thay khớp, sử dụng kỹ thuật laser để chữa đau cột sống… Trong đó, đặc biệt là phương pháp kéo dài chi, kỹ thuật này được hiểu là tạo một chỗ gãy xương ở phần chi muốn dài thêm, sau đó dùng thiết bị ngoại vi đặc biệt kéo dài hai phần xương dài ra thêm mỗi ngày 1mm, mạch máu gân cơ thần kinh cũng dài theo tỷ lệ tương ứng. Sau một thời gian nhất định, khoảng cách giữa hai đoạn xương đã cắt sẽ được lấp kín.
Đầu năm năm 2007, cả nước xôn xao về một “bệnh lạ” được gọi là Chim sệ cánh(xơ hóa cơ delta) gây nên bao nỗi bất hạnh cho hàng chục ngàn trẻ em trong cả nước. Bác sĩ Lê Đức Tố là người chủ trì, nắm vững và phát hiện ra loại dị tật này. Số lượng trẻ em bị dị tật này sau đó được thống kê lên đến hàng chục ngàn trường hợp. Thời điểm đó, chưa có một qui trình chẩn đoán và phẫu thuật, kỹ thuật cụ thể nào để chữa dị tật này và chi phí phẫu thuật lên đến 7 triệu đồng/ca. Từ những thực tế và kinh nghiệm, bác sĩ Tố đã nghiên cứu, viết thành công quy trình chẩn đoán và phẫu thuật cho những bệnh nhân bị xơ hóa cơ Dellta với chi phí giảm xuống gấp nhiều lần, chi phí chỉ còn 600.000 đồng/ca để trình lên Bộ Y tế. Tháng 5 -2007, Bộ Y tế đã có quyết định giao cho bác sĩ Lê Đức Tố tổ chức chuyển giao kỹ thuật mổ xơ hóa cơ Delta cho các cơ sở y tế ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ông lại đặt chân đến nhiều tỉnh thành để trực tiếp đi chỉ đạo mổ cho hơn 3500 ca, đồng thời tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán, phẫu thuật xơ hóa cơ delta mới cho các y bác sĩ địa phương trong quá trình phẫu thuật dị tật này cho các em nhỏ. Nhờ đó, các trường hợp trẻ em bị xơ hóa xơ delta đã được chữa trị kịp thời.
Bác sĩ có trái tim người mẹ
Suốt 30 năm qua, bác sĩ, tiến sĩ Lê Đức Tố đã đặt chân ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước để khám, phẫu thuật miễn phí cho hơn 35.000 ca là trẻ em có các căn bệnh khuyết tật vận động, sứt môi, hở hàm ếch. Hành trình nhân ái ấy đã đem đến điều kỳ diệu, giúp tái hiện cuộc đời cho các em thơ. Các em bé sau khi được chữa trị, bỏ hẳn chiếc gậy chống hàng ngày, không còn đi khập khiễng, bỏ hẳn lối đi lết bằng gối. Những câu chuyện mà ông đã từng kể cho tôi nghe và được dịp chứng kiến luôn là những câu chuyện xúc động lòng người. Như trường hợp cháu Đỗ Thị Thủy 18 tháng tuổi ở Hà Tĩnh, chân trái bị chẻ làm hai nhánh, bàn chân dính lơ lửng phía ngoài đã được bác sỹ Tố mổ đến 6 lần, lần 1 mổ hợp hai nửa chân lại, lần 2 đưa bàn chân vào chính giữa, lần 3 kéo dài mỗi chân 5cm, sau đó là chỉnh thẳng trục gối… Hiện nay Thủy có thể đi lại và hoạt động bình thường. Hoặc trường hợp, cuối năm 1994, ông về Đồng Tháp và mổ từ thiện cho 8 cô gái ở Đồng Tháp tuổi từ 18-22 bị khuyết tật ở chân, tay. Sau đó, các trường hợp được phẫu thuật lần lượt lấy chồng, có con rồi dẫn cả gia đình lặn lội lên tận Sài Gòn để “cảm ơn bác sỹ”.
[Only registered and activated users can see links]
Những lần gặp ông, tôi luôn cảm nhận được những khát vọng đau đáu cứ đeo đuổi ông. Năm 1998, khi Ông còn công tác ở Trung tâm trẻ em khuyết tật vận động của TP Hồ Chí Minh, có lần ông tâm sự với tôi ước muốn thành lập một bệnh viện tư nhân để có thể trở thành một địa chỉ để tổ chức phẫu thuật từ thiện cho các em nhỏ bị khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, đồng thời nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật y khoa mới, tiên tiến nhất. Thời điểm ấy, chủ trương về xã hội hóa y tế còn là chuyện xa vời, dù ở nhiều nước trên thế giới, xu hướng đó đã phát triển rất mạnh. Hơn nữa, ở thời điểm ấy, dẫu có chủ trương, thì kinh phí, vốn đầu tư là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Mãi đến năm 2002, khi chủ trương xã hội hóa y tế được triển khai, bác sĩ Tố cùng một số người khác đã sáng lập nên Bệnh viện chấn thương chỉnh hình tư nhân đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh và ông được mọi người đề cử ở cương vị giám đốc bệnh viện. Tuy nhiên, sau một thời gian, Ông cảm nhận “bến đỗ” ấy không dành cho ông. Những lợi ích cụ thể, những toan tính thực dụng của các cá nhân đồng sáng lập bệnh viện đã dần xa rời với những tâm huyết, khát vọng mà Ông đeo đuổi bao năm nên ông tự nguyện rút lui, từ bỏ cái cương vị mà nhiều người mơ ước ấy.
Nhiều cơ sở y tế đều mong mỏi và đề nghị bác sĩ Tố về cộng tác với mức lương, trợ cấp cao, nhưng ông từ chối tất cả. Ông về lại Hội bảo trợ trẻ em tàn tật TP Hồ Chí Minh, vốn là “mái ấm” mà ông gắn bó bao năm, tiếp tục rong ruổi trên các nẻo đường khám và phẫu thuật từ thiện.
Đầu năm 2008, bác sĩ Tố cùng với các bác sĩ tâm huyết với nghề thành lập nên bệnh viện tư nhân đầu tiên chuyên về ngoại khoa và chấn thương chỉnh hình trong cả nước mang tên STO Phương Đông. Đây là một sự kiện lớn của ngành ngoại khoa và chấn thương chỉnh hình phía
Năm đầu tiên sau khi thành lập, dù bệnh viện STO Phương Đông còn quá nhiều khó khăn, nhưng bác sĩ Tố vẫn luôn dành đặc biệt ưu tiên cho việc thực hiện các chương trình từ thiện. Những người biết bác sĩ Tố đều không ngạc nhiên khi Bệnh viện ra thông báo mời các trẻ em bị khuyết tật vận động, có hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi miền đất nước gửi hồ sơ đăng ký để được khám chữa bệnh miễn phí. Chỉ trong năm 2008, thông qua phối hợp với các tổ chức tài trợ của Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Trung tâm hỗ trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam và TP Hồ Chí Minh, trung tâm hỗ trợ trẻ em tàn tật ở các tỉnh thành trong cả nước…, bệnh viện STO Phương Đông đã tổ chức phẫu thuật miễn phí cho hơn 500 trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh. Kinh phí phẫu thuật của mỗi ca đều được bệnh viện STO Phương Đông tài trợ hơn 60%. Khi người nhà đưa con mình đến bệnh viện để được phẫu thuật miễn phí, Ông còn tổ chức cho nhân viên hàng ngày đi nhận những suất cơm từ thiện để phát cho họ. Tùy từng trường hợp, Bệnh viện có cách hỗ trợ tận tình. Các địa phương xa xôi, thì ông phối hợp với các ngành chức năng xuống tận nơi để mổ hoặc tài trợ xe đưa về bệnh viện để chữa trị. Như trường hợp bé Nguyễn Thị Trung, (5 tuổi ở Thanh Chương, Nghệ An) bị dị tật hiếm gặp rất nặng ở hai gối và hai bàn chân, cuối tháng 12-2008 vừa rồi, cha của Trung đã bật khóc vì xúc động khi được tin Bệnh viện STO Phương Đông và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An, Chương trình “Góp một bàn tay” hỗ trợ để phẫu thuật. Dị tật của Trung đã khiến người mẹ sau khi sinh đã hoảng loạn bỏ đi, để lại người cha cảnh gà trống nuôi con trong niềm tuyệt vọng. Cha Trung ở phải bán hết ruộng và con trâu vốn là cơ nghiệp ở nơi quê nghèo huyện Thanh Chương Nghệ An, chạy vạy khắp nơi tìm chữa trị cho con nhưng cũng đành bất lực. Bé Trung đã phục hồi chức năng thành công sau được đưa vào TP Hồ Chí Minh và được bác sĩ Tố phẫu thuật thành công ở bệnh viện STO Phương Đông.
Nếu nhìn kết quả, khó ai có thể hiểu được sức lực làm việc dẻo dai đến kỳ lạ ở bác sĩ Tố. Mỗi tháng, ông đều tham gia các chương trình phẫu thuật miễn phí, có những ngày ông mổ từ sáng đến tối, với số lượng hàng chục ca ở các tỉnh thành ở miền Trung, miền Tây nam bộ. Có lần Ông tâm sự với tôi: “Chính ánh mắt hi vọng và chờ đợi của gia đình bệnh nhân và nụ cười của bệnh nhân sau khi điều trị đã luôn làm tôi cảm động, thôi thúc tôi gắng sức hết mình”.
Cũng trong năm đầu tiên, bệnh viên STO Phương Đông đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, tiên phong trong điều trị các dị tật bẩm sinh. Chẳng hạn như di tật ngực lõm lòng thuyền bẩm sinh, thay khớp toàn phần. Bệnh lõm ngực bẩm sinh có đặc điểm là thành ngực phía trước bị lõm sâu, chèn ép các nội tạng trong lồng ngực, gây hạn chế hô hấp, tuần hoàn, giảm chất lượng cuộc sống. Bác sĩ Tố đã chủ trì phẫu thuật thành công ca đầu tiên cho em Phạm Công Trí. Sau đó, với sự tìm tòi, Bệnh viện còn cải tiến kỹ thuật phẫu thuật, bằng cách dùng nẹp ngoài để nâng đỡ ngực, không cần phải can thiệp vào lồng ngực như trước đây.
Sau những hành trình nhân ái, là những hàng trăm lá thư của bệnh nhân từ mọi miền đất nước gửi về cho bác sĩ Tố, có những bức thư dài 5 đến 7 trang, tỏ lòng biết ơn, ví Ông là cha, là mẹ thứ 2 của mình. Có em bé ở Cà Mau sau khi được bác sĩ Tố chữa trị đã sáng tác một tập thơ ca ngợi “lòng nhân đạo cao cả của người thầy thuốc” để tặng ông. Trong căn nhà ông, những bức thư, những câu chuyện cảm động về những chuyến khám bệnh ở vùng sâu, vùng xa cứ trôi hoài… ấm áp.
Theo Trung Kiên, Báo Quân đội nhân dân