
ĐIỀU LỆ HỘI
- Điều lệ - Quy chế
- Tháng Một 6, 2010
- 112
ĐIỀU LỆ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
HỘI DOANH NGHIỆP TIÊU BIỂU TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số:6368 /QĐ-UBND ngày 28 tháng12 năm 2017
của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi và trụ sở chính của Hội
Tên gọi: HỘI DOANH NGHIỆP TIÊU BIỂU NGHỆ AN
Tên tiếng Anh: NGHE AN TYPICAL BUSINESS ASSOCIATION
Tên viết tắt: NATBA
Trụ sở đặt tại: Số 179 – Phan Đình Phùng – TP Vinh – Nghệ An
Điện thoại: 0238.8602 088-3843 490Fax: 0238.3565 022
Email: hoidoanhnghieptieubieu@gmail.comhoặccupvangxunghe@yahoo.com
Website: dntieubieuna.vn
Điều 2. Tôn chỉ, mục đích
Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thuộc các hoạt động kinh tế có hoạt động sản xuất kinh doanh quan tâm đến hoạt động Hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, tự trang trải kinh phí trên cơ sở cùng có lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép bao gồm: Các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo luật Doanh nghiệp số: 68/2014/QH13, HTX thành lập theo Luật HTX số 23/2012/QH13. Hội hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, làm tốt cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp hội viên, nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Điều 3. Địa vị pháp lý, trụ sở
1. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trụ sở của Hội đặt tại: Số 179 Phan Đình Phùng – Thành phố Vinh – Tỉnh Nghệ An
Điều 4. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động
1. Hội hoạt động trên phạm vi tỉnh Nghệ An.
2. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực hoạt động chính của Hội theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động
1. Tự nguyện, tự quản.
2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.
3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động.
4. Không vì mục đích lợi nhuận.
5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ hội.
Chương II
QUYỀN HẠN VÀ NHIỆM VỤ
Điều 6. Quyền hạn của Hội
1. Tuyên truyền mục đích của Hội.
2. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội.
3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội theo quy định của pháp luật.
4. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội.
6. Phổ biến, tập huấn kiến thức cho hội viên, cung cấp thông tin cho hội viên theo quy định của pháp luật.
7. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
8. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao.
Điều 7. Nhiệm vụ của Hội
1. Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với các cơ quan nhà nước để trao đổi thông tin và ý kiến về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.
2. Tiến hành những hoạt động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp và người sử dụng lao động trong các quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế.
3. Tuyên truyền, vận động phát triển hội viên, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức văn hóa kinh doanh.
4. Tiến hành các hoạt động xây dựng, quảng bá và nâng cao uy tín doanh nghiệp, doanh nhân, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quan hệ kinh doanh và đầu tư ở trong và ngoài nước.
5. Xây dựng tổ chức, tập hợp hội viên nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất – kinh doanh – dịch vụ và hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế.
6. Đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
7. Hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật.
8. Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động của Hội.
9. Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Hội theo đúng quy định của pháp luật.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Chương III
QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA HỘI VIÊN
Điều 8. Hội viên.
1. Hội viên chính thức:
1.1.Tiêu chuẩn hội viên chính chức:
Hội viên chính thức phải đạt một số tiêu chí cơ bản sau đây:
– Tiêu chuẩn hội viên chính thức tối thiểu phải đạt là hội viên thuộc doanh nghiệp vừa theo khoản 1 điều 3 nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ.
– Hàng năm doanh nghiệp hoạt động phải có hiệu quả thiết thực.
– Chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.
– Có tính cộng đồng cao, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của tỉnh, như: thiên tai, bão lụt…tích cực tham gia công tác từ thiện, an sinh xã hội.
– Có nguyện vọng và đơn tự nguyện tham gia Hội.
– Bảo đảm mức sống ổn định cho cán bộ – công nhân viên trong Doanh nghiệp.
– Người đứng đầu doanh nghiệp phải gương mẫu, không vi phạm pháp luật phải đến mức xử lý hình sự.Trong kinh doanh phải thể hiện tính “Văn hóa doanh nhân”.
1.2. Đối tượng là Hội viên chính thức:
Là các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo luật Doanh nghiệp số: 68/2014/QH13, HTX thành lập theo Luật HTX số 23/2012/, đang sản xuất kinh doanh hoặc có trụ trở trên địa bàn tỉnh có liên quan đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã có văn bản đăng ký chính thức tham gia và được kết nạp là hội viên của Hội.
2. Hội viên liên kết: Là các tổ chức hội doanh nghiệp ngoài tỉnh, ngoài nước hoặc các tổ chức hội khác trong tỉnh không liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân có nguyện vọng tham gia để cống hiến cho Hội.
3. Hội viên danh dự: Là những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có đóng góp đặc biệt hoặc có ảnh hưởng tốt vào việc thực hiện mục tiêu phát triển của Hội, mà được Ban chấp hành Hội đồng ý mời tham dự.
Điều 9. Quyền của Hội viên.
1. Được Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An hướng dẫn tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nâng cao hiệu quả kinh doanh. Được Hội giới thiệu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hợp đồng sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường kinh doanh.
2. Thường xuyên được Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An cung cấp thông tin về kinh tế, khoa học kỹ thuật và nghề nghiệp, được tham dự các cuộc hội thảo các lớp tập huấn, các cuộc tham quan trong nước và nước ngoài do Hội tổ chức theo quy định của pháp luật.
3. Được Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An bảo vệ trước pháp luật khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.
4. Được hưởng các dịch vụ của Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An về: Marketing; xúc tiến thương mại đầu tư, tài liệu in ấn phẩm, đào tạo và các dịch vụ khác ..v.v…
5. Được ứng cử, bầu cử vào các chức danh lãnh đạo, kiểm soát của Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An.
6. Được thảo luận, biểu quyết chất vấn những vấn đề có liên quan và có quyền xin ra khỏi Hội.
7. Được Hội khen thưởng nếu tham gia tích cực và có hiệu quả vào các hoạt động của Hội.
8. Hội viên chính thức được tham gia đầy đủ các quyền của hội viên kể cả quyền ứng cử và bầu cử các chức danh trong Hội, (Hội viên liên kết và hội viên danh dự không có quyền ứng cử và bầu cử) .
Điều 10. Nghĩa vụ của Hội viên.
Hội viên chính thức và hội viên liên kết có các nghĩa vụ sau đây:
1. Chấp hành Điều lệ và Nghị quyết Đại Hội của Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An đã thông qua và được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Nâng cao đạo đức kinh doanh, đoàn kết, chấp hành pháp luật, văn hóa doanh nhân, chung tay xây dựng Hội ngày càng phát triển lớn mạnh.
3. Chấp hành báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc hội mình quản lý về Văn phòng Hội.
4. Đoàn kết hợp tác với các Hội viên trong Hội, cùng nhau thực hiện tốt các công tác của Hội.
5. Thực hiện hoạt động đúng Điều lệ Hội đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt, tham gia đầy đủ các cuộc họp do Ban chấp hành Hội điều động.
6. Đóng hội phí đầy đủ theo quy định của Hội, Hội viên danh dự không phải đóng hội phí.
Điều 11. Thể thức tham gia Hội và ra khỏi Hội:
1.Gia nhập Hội viên chính thức:
1.1.Hồ sơ gồm:
+ Bản đăng ký gia nhập Hội;
+ Bản y sao Giấy Đăng ký kinh doanh, hoặc quyết định thành lập các tổ chức có nguyện vọng tham gia,
+ Báo cáo tóm tắt tài chính năm gần nhất khi đăng ký tham gia Hội, đối với doanh nghiệp.
+ Tài liệu kèm theo giới thiệu về doanh nghiệp, các tổ chức hội viên (nếu có)
2.Gia nhập hội viên liên kết:
2.1.Hồ sơ gồm:
+ Bản đăng ký gia nhập Hội;
+ Bản y sao Giấy Đăng ký kinh doanh, hoặc quyết định thành lập các tổ chức có nguyện vọng tham gia, CMND photo copy nếu với tư cách cá nhân;
3.Gia nhập Hội viên danh dự:
+ Ban chấp hành xem xét và quyết định mời tham dự.
4.Thủ tục công nhận Hội viện:
+ Ban Thường trực sau khi có đủ hồ sơ sẽ xem xét và quyết định, ban hành giấy chứng nhận Hội viên và đăng lưu vào sổ hội viên.
+ Trong trường hợp bị từ chối thì quyết định của Ban Chấp hành là quyết định cuối cùng đồng ý hay không đồng ý cho phép tham gia hội viên.
+ Hội viện được công nhận cho dù bất cứ tháng nào trong năm đều có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của năm đó.
+ Tính kế thừa của hội viên, Lãnh đạo của các tổ chức hội viên có thể thay đổi song tư cách hội viên vẫn không thay đổi và không phải bổ sung gì thêm ngoài việc thông báo về cho Hội bằng văn bản về việc thay đổi nhân sự.
+ Hội viên danh dự là do Ban Chấp hành và Ban Thường vụ quyết định mời vào tham dự cùng Hội.
5. Chấm dứt tư cách Hội viên:
Tư cách Hội viên sẽ bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
+ Vi phạm hoạt động của Hội mà bị Ban chấp hành Hội ra quyết định chấm dứt tư cách Hội viên.
+ Hội viên bị giải thể hay không còn hoạt động theo quy định pháp luật.
+ Không còn đáp ứng theo tiêu chuẩn hội viên.
+ Không thực hiện đúng Điều lệ Hội, không tham gia các nghĩa vụ theo quy định của Hội.
+ Tự nguyện xin ra khỏi Hội.
Chương IV
TỔ CHỨC HỘI
Điều 12. Cơ cấu tổ chức của Hội
1. Đại hội.
2. Ban Chấp hành.
3. Ban Thường vụ.
4. Ban kiểm soát.
5. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội, Tổng Thư ký.
Điều 13. Đại hội
1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường. Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 5 năm 1 lần. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất 1/2 số đại biểu chính thức đề nghị.
2. Đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể. Đại hội toàn thể được tổ chức khi có trên 1/2 số hội viên chính thức có mặt.
3. Nhiệm vụ của Đại hội:
a) Thảo luận và thông qua Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ; phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới của Hội;
b) Thảo luận và thông qua điều lệ;
c) Thảo luận góp ý kiến vào Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành và Báo cáo tài chính của Hội;
d) Bầu Ban Chấp hành và Ban kiểm soát;
đ) Thông qua nghị quyết của Đại hội.
4. Nguyên tắc biểu quyết của Đại hội.
a) Đại hội có thể biểu quyết bằng giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định;
b) Việc biểu quyết thông qua các quyết định của đại hội phải được quá 1/2 (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tại đại hội tán thành.
Điều 14. Ban Chấp hành Hội
1. Ban Chấp hành do đại hội bầu trong số các hội viên của Hội. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành do đại hội quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành cùng với nhiệm kỳ đại hội.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành.
a) Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội, Điều lệ Hội, lãnh đạo mọi hoạt động của Hội giữa hai kỳ đại hội;
b) Chuẩn bị và quyết định triệu tập đại hội;
c) Quyết định chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của Hội;
d) Quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy của Hội; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội; Quy chế quản lý, sử dụng con dấu của Hội; Quy chế khen thưởng, kỷ luật; các quy định trong nội bộ Hội phù hợp với quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật;
đ) Bầu, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm soát.
3. Nguyên tắc hoạt động của Ban Chấp hành
a) Ban Chấp hành hoạt động theo Quy chế của Ban Chấp hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội;
b) Ban Chấp hành mỗi năm họp 1 lần, có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Ban Thường vụ hoặc trên 1/2 tổng số Ủy viên Ban Chấp hành;
c) Các cuộc họp của Ban Chấp hành là hợp lệ khi có 2/3 ủy viên Ban Chấp hành tham gia dự họp. Ban Chấp hành có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Ban Chấp hành quy định;
d) Các nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành được thông qua khi có trên 2/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành dự họp biểu quyết tán thành. Trong trường hợp số ý kiến tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định thuộc về bên có ý kiến của Chủ tịch Hội.
Điều 15. Ban Thường vụ Hội
1. Ban Thường vụ do Ban Chấp hành bầu trong số các Ủy viên Ban Chấp hành; Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các ủy viên. Số lượng cơ cấu tiêu chuẩn ủy viên Ban Thường vụ do Ban Chấp hành quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Thường vụ cùng với nhiệm kỳ Đại hội.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường vụ.
a) Giúp Ban Chấp hành triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hội; tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành; lãnh đạo hoạt động của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành;
b) Chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập họp Ban Chấp hành;
c) Quyết định thành lập các tổ chức, đơn vị thuộc Hội theo nghị quyết của Ban Chấp hành; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo các tổ chức, đơn vị thuộc Hội.
3. Nguyên tắc hoạt động của Ban Thường vụ.
a) Ban Thường vụ hoạt động theo Quy chế do Ban Chấp hành ban hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội;
b) Ban Thường vụ họp định kỳ 6 tháng một lần, có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Chủ tịch Hội hoặc trên 1/2 tổng số ủy viên Ban Thường vụ;
c) Các cuộc họp của Ban Thường vụ là hợp lệ khi có 1/3 ủy viên Ban Thường vụ tham gia dự họp. Ban Thường vụ có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Ban Thường vụ quyết định;
d) Các nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ được thông qua khi có trên 2/3 tổng số ủy viên Ban Thường vụ dự họp biểu quyết tán thành. Trong trường hợp số ý kiến tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định thuộc về bên có ý kiến của Chủ tịch Hội.
Điều 16. Ban Kiểm soát Hội
1. Ban Kiểm soát Hội gồm Trưởng ban, Phó trưởng ban (nếu có) và một số ủy viên do Đại hội bầu ra. Nhiệm kỳ của Ban Kiểm soát cùng với nhiệm kỳ đại hội.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm soát.
a) Kiểm tra, giám sát thực hiện Điều lệ Hội, nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các quy chế của Hội trong hoạt động của các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội, hội viên;
b) Xem xét, giải quyết đơn thư kiến nghị khiếu nại, tố cáo của tổ chức hội viên và công dân gửi đến Hội.
c) Nguyên tắc hoạt động của Ban Kiểm soát: Ban Kiểm soát hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành ban hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
Điều 17. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội
1. Chủ tịch Hội là đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Hội. Chủ tịch Hội do Ban chấp hành bầu trong số các Ủy viên Ban Chấp hành Hội. Tiêu chuẩn Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội quy định.
2. Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội:
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội;
b) Chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập Hội, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của Hội trước Ban Chấp hành, Ban thường vụ Hội về mọi hoạt động của Hội. Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Hội theo quy định Điều lệ Hội; Nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội;
c) Chủ trì các phiên họp của Ban Chấp hành; chỉ đạo chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban thường vụ;
d) Thay mặt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ký các văn bản của Hội;
đ) Khi Chủ tịch Hội vắng mặt, việc chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của Hội được ủy quyền bằng văn bản cho một Phó Chủ tịch Hội.
3. Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành bầu trong số các Ủy viên Ban Chấp hành Hội. Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội quy định.
Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch Hội chỉ đạo điều hành công tác của Hội theo sự phân công của Chủ tịch Hội và trước pháp luật về lĩnh vực công việc được Chủ tịch Hội phân công hoặc ủy quyền. Phó Chủ tịch Hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội phù hợp với Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.
Điều 18. Văn phòng Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An.
Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An gồm có các phòng Ban chuyên trách: Văn phòng Hội, Ban tài chính, Ban đào tạo Hội viên và Doanh nghiệp, Ban pháp chế và tư vấn tổng hợp và các phòng ban khác nếu xét thấy cần thiết, Quyết định thành lập phòng ban hay đơn vị trực thuộc và nhân sự do ban thường trực quyết định.
Văn phòng Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An có nhiệm vụ giúp Ban thường trực giải quyết công việc hàng ngày của Hội, đứng đầu văn phòng là Tổng Thư ký.
Chương V
TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN
Điều 19. Tài chính, tài sản của Hiệp hội
1. Tài chính của Hội
a) Nguồn thu của Hội:
– Lệ phí gia nhập Hội, hội phí hàng năm của hội viên;
– Thu từ các hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật;
– Tiền tài trợ, ủng hộ của các cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
– Hỗ trợ của Nhà nước gắn với nhiệm vụ được giao (nếu có);
– Các khoản thu hợp pháp khác.
b)Các khoản chi của Hội:
– Chi hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Hội;
– Chi mua sắm phương tiện;
– Chi khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
2. Tài sản của Hội:
Tài sản của Hội bao gồm trụ sở (Nếu có trụ sở riêng), các trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động của Hội. Tài sản của Hội được hình thành từ nguồn kinh phí của Hội; do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến, tặng theo quy định của pháp luật; được Nhà nước hỗ trợ.
Điều 20. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội
1. Tài chính, tài sản của Hội chỉ được sử dụng cho các hoạt động của Hội.
2. Tài chính, tài sản của Hội khi chia, tách; sáp nhập; hợp nhất và giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Ban Chấp hành Hội ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật và tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội.
Chương VI
CHIA,TÁCH; SÁP NHẬP; HỢP NHẤT;
ĐỔI TÊN VÀ GIẢI THỂ
Điều 21. Chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; đổi tên và giải thể Hội
Việc chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; đổi tên và giải thể được thực hiện theo quy chế của Bộ Luật dân sự, quy định của pháp luật về Hội, nghị quyết Đại hội và các quy định pháp luật có liên quan.
Chương VII
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 22. Khen thưởng
1. Cá nhân và tổ chức có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ của Hội thì được Hội khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể hình thức, thẩm quyền, thủ tục khen thuởng trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
Điều 23. Kỷ luật
1. Hội viên vi phạm Điều lệ Hội thì tùy từng mức sẽ bị khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ ra khỏi Hội.
2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể thẩm quyền, quy trình xem xét kỷ luật trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Sửa đổi bổ sung Điều lệ.
Điều lệ của Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An được sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của Ban thường vụ hoặc 2/3 số Ủy viên ban chấp hành, hoặc Ban kiểm soát, hoặc trên 1/2 số Hội viên chính thức đề nghị.
Điều 25. Điều khoản thi hành :
1. Điều lệ này gồm có 8 chương, 25 Điều đã được Đại hội khóa II nhiệm kỳ 2017 – 2022 ủy quyền cho Ban Chấp hành đương nhiệm Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An thông qua ngày 15 tháng 09 năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt./.
2. Căn cứ quy định pháp luật về Hội và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu tỉnh Nghệ An có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này ./.